Theo đó, trong danh mục 210 dự án mời gọi đầu tư lần này, Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) và các doanh nghiệp bất động sản rất quan tâm, mong muốn được tham gia đầu tư vào nhiều dự án trong số 85 dự án hạ tầng giao thông, 36 dự án cơ sở hạ tầng đô thị, 29 dự án chỉnh trang đô thị, 09 dự án thương mại dịch vụ.
HoREA đánh giá, TP HCM là thành phố sông nước, ven biển, nhiệt đới, với điểm nhấn đặc sắc là hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, các kênh rạch nội thành và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ. Đây là tài sản vô cùng quý giá của thành phố và cũng là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế.
Dự án Bình Qưới - Thanh Đa sau 26 năm vẫn dậm chân tại chỗ. Ảnh: Nguồn Internet
Ngoài ra, TP HCM là thành phố của người nhập cư qua chiều dài hơn 300 năm lịch sử. Hiện có khoảng 13 triệu dân, trong đó, có khoảng 3 triệu người nhập cư, với tốc độ tăng dân số rất cao, trung bình cứ 05 năm, thành phố tăng thêm khoảng 01 triệu dân. Do vậy, đi đôi với quá trình đô thị hoá, phải giải quyết đồng bộ các bài toán về phát triển hệ thống hạ tầng, giao thông, nhà ở, y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp dân cư, khách vãng lai và người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống tại thành phố.
Trong 10 năm gần đây, quy mô thị trường bất động sản thành phố đã tăng trưởng gấp đôi, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bất cập chủ yếu là tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng đô thị, ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường sống.
Nhiều khu chung cư cũ, khu dân cư cũ, lụp xụp chưa được chỉnh trang, tái phát triển. Tình trạng tự phân lô, tách thửa tràn lan, tự phát, kiểu vết dầu loang ở một số quận ven và huyện ngoại thành đang đe dọa phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.
Thị trường bất động sản phát triển chưa lành mạnh, chưa ổn định, chưa bền vững. Rất thiếu loại căn hộ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội, nhất là nhà cho thuê giá thấp, để đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.
Trong hơn 20 năm qua, khu vực doanh nghiệp bất động sản tư nhân đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ, đang giữ vai trò thống lĩnh trên thị trường bất động sản, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Sự phát triển của thị trường bất động sản đã góp phần đổi thay diện mạo TP HCM. Ảnh: Minh Tú
Nhiều khu đô thị mới, khu dân cư mới, các khu nhà cao tầng hiện đại đã và đang được hình thành, điển hình như khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu dân cư Him Lam, khu dân cư Dragon City, VinHome Tân Cảng, Sunrise City, Sala City, Bitexco Tower,... và rất nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền như Ehome, Florita, Lê Thành, Hưng Phát...
Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cũng đã tích cực tham gia các dự án phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, chỉnh trang, tái phát triển đô thị, xây dựng lại các chung cư cũ, chỉnh trang, di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với nhiều rủi ro, thách thức.
Trong hơn 2 năm qua, TP HCM có hơn 150 dự án bị rà soát, thanh tra. Hiện mới chỉ có 124 dự án được hoạt động trở lại bình thường, chiếm 78% số dự án bị rà soát.
Tại hội nghị lần này, HoREA đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo bổ sung thêm các dự án mời gọi đầu tư như Dự án đô thị sáng tạo phía đông thành phố, Dự án Bình Qưới - Thanh Đa, Dự án Nam Kênh Đôi, Dự án Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ...
Khu VinHome Tân Cảng lộng lẫy về đêm. Ảnh: Minh Tú
Hiệp hội cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với quỹ đất thuộc hành lang sông, rạch. Trong đó, có đề xuất bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn, để xây dựng các dự án mời gọi đầu tư trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội nhất trí với UBND huyện Cần Giờ đề xuất dự án cầu vượt biển nối liền Cần Giờ - Vũng Tàu (chiều rộng cửa biển 12km), bổ sung vào quy hoạch Vùng TP HCM, vừa phục vụ giao thông liên vùng, phục vụ du lịch, cảnh quan, để mời gọi đầu tư.
HoREA cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế và giải pháp để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn hơn 100 ngày, để sớm giao quỹ đất cho nhà đầu tư; sớm ban hành Nghị định về dùng tài sản công, trong đó có quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chủ trì dự án khẩn trương rà soát, hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi của các dự án mời gọi đầu tư, nhất là các dự án chỉnh trang đô thị.
Dự án Bình Quới - Thanh Đa, thuộc phường 28, quận Bình Thạnh, đã được phê duyệt để làm dự án khu đô thị du lịch, sinh thái với quy mô lớn, trên thực tế đã có nhiều đơn vị tham gia đầu tư. Đến năm 2015, đồ án quy hoạch 1/2000 của một đơn vị đầu tư được chính thức phê duyệt với quy mô dự án là 450ha, dân số 45.000 người… Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân, đến nay đã 26 năm qua, một dự án tầm cỡ như khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn dậm chân tại chỗ, khiến cho đời sống hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng vì dính quy hoạch, nhà cửa xuống cấp nhưng không thể xây mới.
Khắc Chân