Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến hết ngày 5/11, các tỉnh, thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho 9,67 triệu lao động với tổng số tiền hơn 23,03 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, bảo hiểm xã hội 10 tỉnh có số người lao động được giải quyết hưởng hỗ trợ cao nhất là: TP Hồ Chí Minh (1,8 triệu), Hà Nội (1,29 triệu), Đồng Nai (704.134), Bình Dương (596.542), Hải Phòng (321.549), Hải Dương (315.900), Bắc Ninh (312.435), Thanh Hóa (234.746), Bắc Giang (219.947).
Đối với công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 4/11, toàn quốc đã có 15,55 triệu người tham gia, tăng 1 triệu người so với tháng 9/2021.
Trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 972.000 người, bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 36.000 người. Về bảo hiểm y tế, toàn quốc có 84,37 triệu người tham gia, tăng 837.000 người so với tháng 9/2021. Trong đó, có bảo hiểm xã hội 4 tỉnh đã hoàn thành kế hoạch được giao gồm: Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Quảng Trị.
Thời gian tới, tình hình dịch bệnh tại các địa phương vẫn còn diễn biến khó lường, khó khăn có thể còn nhiều hơn. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản thích ứng linh hoạt với tình hình ở địa phương, chú trọng truyền thông, tiếp cận, vận động trực tiếp người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đại lý, từng cán bộ, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Mặt khác, cần nhân rộng hơn nữa các mô hình hay, cách làm sáng tạo; phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo nhóm đơn vị.
PV