Đến năm 2021, tổng diện tích canh tác mía của tỉnh Hòa Bình là 7.130ha, năng suất bình quân 72 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 513.185 tấn. Trong đó mía ăn tươi đạt 6.053ha (chiếm khoảng 85% diện tích), sản lượng ước đạt trên 430 nghìn tấn. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, diện tích mía ăn tươi hàng năm khá ổn định, từ 6.000-6.500ha, tuân thủ đúng quy hoạch sản xuất mía do UBND tỉnh đã phê duyệt. Đã hình thành một số vùng sản xuất mía ăn tươi chủ lực, có chất lượng tốt, có thương hiệu tại các huyện Cao Phong, Lạc Sơn…
Về cơ cấu, giống mía ăn tươi gồm 2 loại mía tím và mía trắng. Ngoài tỉnh Hòa Bình, hiện các giống mía này rất ít có ở các tỉnh, thành phía Bắc khác, do vậy việc phát triển những vùng sản xuất tập trung 2 giống mía này trở thành lợi thế của tỉnh Hòa Bình. Từ năm 2013 Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mía tím Hòa Bình, sản phẩm này thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm nông nghiệp, thương mại trong và ngoài tỉnh. Trong các niên vụ 2020-2021, 2021-2022, giá mía thương phẩm khá ổn định và ở mức cao. Bình quân mỗi ha đem lại 200-250 triệu cho người trồng mía. Thời gian qua, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh trong đó có mía tím là mục tiêu trọng tâm của ngành Nông nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án của Tỉnh ủy Hòa Bình và Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất, thực thi các đề tài, giải pháp nhằm phát triển bền vững mùng mía nguyên liệu ăn tươi, phục vụ chế biến.
Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm mía ăn tươi còn những khó khăn: chất lượng giống mía còn thấp, diện tích mía được chủ động tưới còn thấp, kỹ thuật canh tác mía của nông hộ không đồng bộ, thị trường tiêu thụ trong nước chưa ổn định…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về thực trạng, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía ăn tươi trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ khẳng định sản phẩm mía tím ăn tươi có giá trị kinh tế, nếu được định hướng tổ chức sản xuất tốt sẽ mang tại thu nhập cao. Vì vậy đề nghị thời gian tới, cần thúc đẩy việc liên kết chuỗi, thành lập các HTX sản xuất và tiêu thụ mía; đẩy mạnh việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, VietGAP, OCOP, an toàn thực phẩm. Chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của các Chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020-2025 để thực hiện có hiệu quả phát triển vùng nguyên liệu mía ăn tươi. Sở NN&PTNT nghiên cứu cơ cấu vùng trồng, ổn định diện tích, sản lượng, cân đối sản xuất giữa 2 giống mía để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phối hợp với Sở KH&CN, các huyện xem xem quy trình sản xuất, cải tạo chất lượng mía giống. Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước. Giao Sở KH&CN rà soát, quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể mía tím Hòa Bình; sử dụng có hiệu quả các nhãn hiệu đã được xác lập, đẩy nhanh tiến độ đề tài nuôi cấy mô đối với sản phẩm mía trắng; chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu đưa ra thực tế sản xuất…Giao Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở cơ sở chế biến, xúc tiến thương mại. Sở Công thương chủ trì, tăng cường công tác quảng bá, xây dựng kênh thị trường trong và ngoài nước thông qua phương thức hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hỗ trợ các địa phương sản xuất sản phẩm mía ăn tươi và thành lập các HTX. Đối với 5 huyện chủ lực tổ chức phát triển vùng nguyên liệu mía, trồng theo định hướng, quy hoạch, tránh ồ ạt.
Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình