Lễ hội Chùa Tiên năm nay tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội Chùa Tiên là lễ hội truyền thống mang tính lịch sử lâu đời của người dân huyện Lạc Thủy. Lễ hội được phục dựng, duy trì tổ chức hằng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân. Đồng thời giúp con cháu có dịp được bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên, các vị thần đã có công khai phá đất đai, mở mang xây dựng quê hương, hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn từ ngàn đời nay của dân tộc; để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cầu cho nhà nhà ấm no, người người hạnh phúc. Qua đó, góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và tỉnh Hòa Bình.
Năm 2024, Quần thể di tích Chùa Tiên, Lạc Thuỷ, Hoà Bình bao gồm hơn 20 điểm di tích với nhiều loại hình di tích lịch sử văn hoá, di tích thắng cảnh, di tích khảo cổ. Mỗi loại hình lại mang những giá trị văn hoá, lịch sử riêng biệt. Trong quần thể có di tích khảo cổ học Động Tiên được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hoá ngày 30/9/1989; quần thể hang động khu vực chùa Tiên được xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2011.
Cùng với các điểm di tích trên còn có các điểm du lịch hấp dẫn khác như: Đền Trình, Đền Mẫu, Động Thuỷ Long Cung, Thung lũng Tình yêu, Động Giải Oan, Suối Vàng, Suối Bạc, Động Cô Chín, Động Ông Hoàng Bảy, Chùa Châu Sơn, Động Tiên, Động Tam Toà, Đình Thượng, Đình Trung… Quần thể di tích Chùa Tiên cũng là địa điểm gần với di tích lịch sử cách mạng Đồn điền Chi Nê và Nhà máy In tiền đầu tiên của chính quyền Cách mạng (cách 5 km) - di tích được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2007.
Đến với lễ hội Chùa Tiên, du khách sẽ được thưởng thức giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Những chiếc kiệu rước Thành hoàng làng là trung tâm của đám rước, được khiêng trên đôi vai của niềm tin, của lòng thành kính và của những ước mong của các nam thanh, nữ tú dân tộc Mường. Cùng với đám rước là những nghi thức tế lễ: dâng rượu, dâng hương, đọc sắc phong của các triều vua phong cho các vị Thần, Thành hoàng trong khu di tích; dâng chúc văn cầu mong các thần linh ban tặng mưa thuận, gió hoà, nhà nhà an khang, xóm làng thịnh vượng,… Đó là những nghi thức đã trở thành truyền thống để tôn vinh các vị Thần, Thành hoàng làng - những người đã vì nước, vì dân được Nhân dân tôn thờ.
Nguyễn Hồng Bài