Nhiều kỳ vọng
Du lịch và hàng không là hai lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, do đó cần tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đưa chính sách phù hợp để hai lĩnh vực này nói riêng và các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nói chung sớm phục hồi, phát triển. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho các bộ, ngành liên quan chuẩn bị phương án triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" và mở lại đường bay quốc tế, giao thương có kiểm soát.
Thủ tướng nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, tất cả bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Gói an sinh xã hội thứ hai đối với những DN khó khăn, người dân bị thiệt hại vẫn tiếp tục được đặt ra trong giai đoạn tới.
''Hộ chiếu vaccine'' được kỳ vọng là ''đòn bẩy'' cho hàng không phục hồi. Ảnh: Hòa Thắng
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã và đang triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, "hộ chiếu vaccine" được rất nhiều cơ quan, DN trong và ngoài nước ủng hộ. Theo dự báo, các ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử như “hộ chiếu vaccine” sẽ trở thành xu hướng toàn cầu. Đây cũng là cơ sở để các quốc gia trên thế giới có thêm sự tự tin khi nới lỏng quy định hạn chế đi lại, đưa ngành hàng không sớm hồi phục, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nếu “hộ chiếu vaccine” được đưa vào áp dụng tại Việt Nam, đây sẽ trở thành đòn bẩy giúp các hãng hàng không vốn vừa trải qua một “cuộc tàn phá” nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 sớm vực dậy và lấy lại đà phát triển như trước.
Nghiên cứu chứ không phải “ngâm cứu”
Kỳ vọng lớn là thế nhưng để đưa “hộ chiếu vaccine” vào áp dụng thực tế ở Việt Nam không phải một sớm, một chiều. Các chuyên gia cho rằng, “hộ chiếu vaccine” đang trở thành cuộc chạy đua của nhiều quốc gia trên thế giới. Để chiếm lĩnh cơ hội mở cửa bầu trời”, việc nên hay không nên triển khai và nếu triển khai cần thực hiện như thế nào nhằm vừa phát huy hết công năng của tấm “hộ chiếu” đặc biệt này, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch cần phải được nghiên cứu khẩn trương, thận trọng.
"“Hộ chiếu vaccine” cần nghiên cứu thận trọng vì nhiều vấn đề có thể phát sinh. Ví dụ như nếu áp dụng “hộ chiếu vaccine” thì sẽ chấp nhận của tất cả các nước hay có sự chọn lọc bởi vaccine Covid-19 được sử dụng ở các nước trên thế giới không giống nhau, mức độ an toàn cũng khác nhau." - Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: "Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, việc sớm mở cửa bầu trời và nối lại giao thương quốc tế là thời cơ tốt nhất để nền kinh tế các quốc gia chịu thiệt hại bởi Covid-19 sớm phục hồi". Đánh giá “hộ chiếu vaccine” sẽ là chìa khóa mở đường bay quốc tế và là đòn bẩy giúp ngành hàng không phục hồi, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định, vấn đề quan trọng lúc này là tốc độ triển khai. Nếu muốn nắm giữ chiếc chìa khóa này, việc nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vaccine” phải triển khai ngay lập tức để sớm chốt được phương án tốt nhất.“Phải nhớ rằng đây là “nghiên cứu” chứ không phải “ngâm cứu”. Phải đẩy nhanh tốc độ nếu không muốn cơ hội trôi qua nhưng cũng phải đảm bảo sự thận trọng, chính xác để đảm bảo an toàn phòng dịch” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Đồng tình với quan điểm việc mở cửa cho khách du lịch có chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 là cần thiết để hàng không và du lịch Việt Nam sớm phục hồi, TS Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam khẳng định, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh việc triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”.
“Hộ chiếu vaccine” được kỳ vọng sẽ mang lại sức bật cho nền kinh tế, trong đó có hàng không và du lịch. Do đó, rất mong Bộ Y tế sớm ban hành chứng nhận tương tự như thế này và quy trình kiểm tra, nhập cảnh với khách quốc tế đến Việt Nam trên các chuyến bay thương mại. Đây là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ với thế giới về một đất nước cởi mở, hội nhập và kiểm soát dịch hiệu quả.
Quý Nguyễn/ Theo kinhtedothi