Thực hiện trách nhiệm được Chính phủ giao tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí, thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016, Bộ KH&CN đã triển khai nghiên cứu, xây dựng Thông tư và ngày 10/12/2019, Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BKHCN quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh khí và hoạt động công bố cơ sở pha chế khí tại Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 15/3/2020. Theo quy định tại Thông tư số 20/2019/TT-BKHCN, cách thức quản lý khí (LPG, LNG, CNG) được quản lý theo chuỗi từ sản xuất, nhập khẩu, pha chế, vận chuyển đến lưu thông trên thị trường.
Điểm mới trong nội dung của Thông tư số 20/2019/TT-BKHCN thể hiện tại Điều 14 “Công bố cơ sở pha chế khí”. Đây là nội dung quy định mới, thể hiện phương thức quản lý khác biệt so với các quy định trước đây về “đăng ký cơ sở pha chế khí”, thể hiện quản lý nhà nước theo phương thức “hậu kiểm”.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), phương thức quản lý hậu kiểm này bảo đảm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Theo đó, thương nhân pha chế khí lập hồ sơ theo quy định tại Thông tư, lưu giữ hồ sơ này tại thương nhân pha chế khí và chỉ gửi Bản tự công bố phù hợp điều kiện pha chế khí về cơ quan quản lý để phục vụ cho việc hậu kiểm và thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về các khai báo, công bố của mình, bà Hương cho biết.
Đối tượng áp dụng Thông tư này là thương nhân kinh doanh khí bao gồm: thương nhân sản xuất, chế biến khí; thương nhân pha chế khí; thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân kinh doanh mua bán khí; thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng xuất, nhập khẩu khí, bồn chứa khí, kho chứa LPG chai; thương nhân kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí; trạm nạp, trạm cấp khí; cửa hàng bán lẻ LPG chai; và Cơ quan quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng và cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh khí.
Đề cập về kết quả công tác hậu kiểm những mặt hàng do Bộ KH&CN quản lý, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết thời gian qua triển khai tích cực chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã đi đầu trong quá trình triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” thông qua việc ban hành Thông tư 07 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 27) quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN để chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa, với 93.3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thừa nhận kết quả thử nghiệm, chấp nhận kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm tại nước ngoài, đồng thời thực hiện cơ chế đánh giá tại nước xuất khẩu đẫ giảm thời gian, chi phí đáng kể cho DN nhập khẩu hàng hóa theo lô hàng.
“Việc chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa sang hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Cải cách của Bộ KH&CN đã mang nhiều lợi ích cho DN, giúp tiết kiệm, cắt giảm được khoảng 900 tỷ đồng/năm", ông Linh cho biết.
Cũng theo ông Linh, sau khi triển khai áp dụng Thông tư 07 đã giúp giảm khoảng 96% số lô hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan. Đồng thời, giảm thời gian kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu xuống còn 1 ngày. Việc đưa công tác quản lý cơ sở pha chế khí sang phương thức hậu kiểm được xem là một bước tiến mới, tích cực tiếp theo của Bộ KH&CN trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Theo Nghị định số 87/2018/NĐ-CP, thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí được thực hiện pha chế khí tại cơ sở sản xuất, chế biến hoặc kho chứa khí của thương nhân.
Thương nhân pha chế khí phải có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 1 năm với tổ chức đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.Thương nhân thực hiện pha chế khí phải đăng ký cơ sở pha chế với Bộ Khoa học và Công nghệ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nghị định nêu rõ, các thương nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện có thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận.
Các cơ sở kinh doanh khí đã tồn tại trước ngày Nghị định này có hiệu lực, chưa đáp ứng khoảng cách an toàn về bố trí bồn chứa, khu vực nạp, sau 3 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Trạm nạp LPG vào chai đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực chưa thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối theo quy định của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 của Chính phủ về kinh doanh khí được tiếp tục hoạt động đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực và đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận
Bảo Anh