Hầu hết các doanh nghiệp chế xuất đã hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan

09:44 24/05/2022

Doanh nghiệp chế xuất (Export Proccessing Enterprise - EPE) là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa để xuất khẩu hoặc cung ứng các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp chế xuất có thể hoạt động bên trong khu chế xuất hoặc khu kinh tế, khu công nghiệp.

Trước đó, ngày 11/3/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, một trong những nội dung quan trọng của Nghị định là quy định điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và áp dụng chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất.

Số liệu thống kê mới nhất ngày 23/5 của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết ngày 25/4/2022, số DNCX đã hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan là 1.607 doanh nghiệp trong tổng số DNCX 1676 (Ảnh minh họa)
Số liệu thống kê mới nhất ngày 23/5 của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết ngày 25/4/2022, số DNCX đã hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan là 1.607 doanh nghiệp trong tổng số DNCX 1676 (Ảnh minh họa).

Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định là quy định điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và áp dụng chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất (DNCX).

Cụ thể, Nghị định quy định trong thời hạn tối đa không quá 1 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành, DNCX phải hoàn thiện các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và kể từ ngày 25/4/2022, các DN đủ điều kiện mới được áp dụng chính sách ưu đãi.

Việc kiểm tra thực tế điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP áp dụng đối với toàn bộ doanh nghiệp chế xuất, bao gồm doanh nghiệp đăng ký dự án đầu tư mới và toàn bộ doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày 25/4/2021 (ngày Nghị định 18 có hiệu lực thi hành), bao gồm cả các doanh nghiệp chế xuất đã được cơ quan hải quan xác nhận về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước ngày 25/4/2021.

Trong thời hạn tối đa không quá 01 năm kể từ ngày 25/4/2021, tức chậm nhất đến ngày 25/4/2022 doanh nghiệp chế xuất phải hoàn thiện các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan, đăng ký để Chi cục Hải quan nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất hoàn thành kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và ra văn bản xác nhận đủ điều kiện cho doanh nghiệp chế xuất.

Nhằm đáp ứng và thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định này tại cục hải quan tỉnh, thành phố; ban hành các văn bản hướng dẫn; đồng thời chỉ đạo cục hải quan các tỉnh thành phố tổ chức làm việc với các DNCX trên địa bàn quản lý, phổ biến các quy định về mốc thời gian không được áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan với các DNCX, lập biên bản làm việc; tổ chức kiểm tra điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan của DNCX theo đúng thời hạn quy định; báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình thực hiện.

Cùng với đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành quy định về cách thức kết nối, trao đổi dữ liệu hệ thống camera giám sát của DNCX với cơ quan Hải quan và việc giám sát hải quan đối với DNCX thông qua hệ thống camera trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các cục hải quan tỉnh, thành phố và cộng đồng DNCX.

Được biết, Cục hải quan các tỉnh, thành phố đã tổ chức làm việc với từng DNCX trên địa bàn quản lý để tuyên truyền, giải thích quy định pháp luật, tìm hiểu rõ tiến độ triển khai của DNCX, lập biên bản làm việc với từng doanh nghiệp. Với các trường hợp các DNCX vẫn chưa thực hiện thông báo đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định thì tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn DNCX thực hiện thông báo theo quy định; tìm hiểu rõ nguyên nhân, vướng mắc của DNCX trong việc chậm trễ thực hiện thông báo đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan, đồng thời hỗ trợ, giải thích cho DNCX biết về chính sách ưu đãi thuế quan đối với DNCX sau thời điểm 25/4/2022. Đồng thời chủ động báo cáo với UBND tỉnh, thành phố nơi DNCX thực hiện dự án đầu tư về tình hình triển khai thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP, đề nghị UBND tỉnh, thành phố có biện pháp đôn đốc các DNCX chưa thực hiện thông báo cơ quan Hải quan về các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan thì sớm thực hiện theo quy định.

Số liệu thống kê mới nhất ngày 23/5 của Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết ngày 25/4/2022 (thời hạn phải hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với các DNCX thành lập trước khi Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 25/4/2021) và đang hoạt động), số DNCX đã hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan là 1.607 doanh nghiệp trong tổng số DNCX 1676.

Tiếp đó, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thành điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan. Đến ngày 12/5 có thêm 9 DNCX được xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát.

Tổng cục Hải quan cho biết, trong số các DNCX chưa thực hiện có 40 doanh nghiệp thuộc diện bị khởi tố, tạm ngừng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể, chuyển địa bàn, chuyển sang doanh nghiệp không phải DNCX; 11 DNCX mới thành lập, đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng; 1 DNCX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, không có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và 17 DNCX không thể hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát do nguyên nhân khách quan.

Hiện còn 8 DNCX vẫn đang tiếp tục hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định do có những khó khăn về kinh phí, thực trạng nhà xưởng hoặc một số nguyên nhân khách quan khác.

Trần Linh (T/h)