Tại phiên đối thoại, nhiều doanh nghiệp và người dân quan tâm đến vấn đề du lịch Hải Phòng như: vụ việc du khách người Úc phản ánh về chất lượng dịch vụ du lịch trên tàu Hoàng Phương hay vụ thu tiền ghế ngồi, chặt chém du khách trên bãi biển Đồ Sơn mới đây đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hải Phòng nói riêng.
Trước những vụ việc như vậy, Thành phố đã có những biện pháp gì để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn? Hải Phòng có những cơ chế, chính sách gì, cụ thể hỗ trợ tháo gỡ khó khăn rào cản để phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Một vấn đề nữa cũng được nhiều đại biểu quan tâm đó là sau khi cầu vượt biển Tân Vũ Lạch Huyện khánh thành, lượng du khách đổ về Cát Bà tăng đột biến, Cát Bà trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với cơ sở hạ tầng như hiện nay liệu Đảo Ngọc có nguy cơ 'thất thủ', không đảm bảo sức chứa cho số lượng khách du lịch đang không ngừng tăng, đặc biệt vào dịp cuối tuần. Ngành Du lịch đã có phương án gì để giải quyết tình trạng này?
Bên cạnh đó, vấn đề nghỉ đêm trên vịnh là dịch vụ đặc sắc được nhiều khách du lịch lựa chọn, tuy nhiên việc khai thác khách nghỉ đêm trên vịnh của Hải Phòng còn hạn chế. Trong khi đó, ở địa phương lân cận là Quảng Ninh, việc này phát triển rầm rộ, thậm chí nhiều tàu của Quảng Ninh dựng hành trình khởi đầu từ Quảng Ninh, nghỉ đêm trên biển Hải Phòng. Vậy ngành Du lịch xác định đâu là lợi thế để cạnh tranh với địa phương bạn trong việc thu hút khách nghỉ đêm trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Giám đốc sở Du lịch Hải Phòng cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh nêu trên, thành phố đã kịp thời chỉ đạo và giao Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch kiểm tra và đình chỉ ngay hoạt động của tàu Hoàng Phương 16, Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng đã xử phạt 15 triệu đồng đối với chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hoàng Phương tại Hải Phòng, do “không bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ trong buồng ngủ, phương tiện thủy theo quy định”.
Với vụ việc thu tiền ghế ngồi, chặt chém du khách trên bãi biển Đồ Sơn, đã xử phạt 2 triệu đồng đối với bà Dương Thị Nhung (phường Ngọc Hải - quận Đồ Sơn) do “chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ”.
Từ năm 2017, thành phố đã chỉ đạo Sở Du lịch chủ trì cùng Sở Giao thông vận tải, huyện Cát Hải và các ngành chức năng khẩn trương xây dựng và ban hành Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; Quy hoạch quản lý địa điểm neo đậu cho tàu lưu trú du lịch qua đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đến năm 2025; kiểm tra rà soát, kiên quyết loại bỏ các tàu du lịch không bảo đảm tiêu chuẩn hoạt động ….
Cát Bà là điểm đến có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt khi cầu Tân Vũ - Lạch Huyện được đưa vào hoạt động đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa huyện đảo Cát Hải và đất liền. Tổng số cơ sở lưu trú tại Cát Bà hiện nay là 217 cơ sở lưu trú với 4000 phòng, khả năng đáp ứng phục vụ hơn 1 vạn khách du lịch. Tuy nhiên, khách du lịch chủ yếu đến với Cát Bà vào dịp cuối tuần do đó dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông cục bộ và quá tải khi sử dụng các dịch vụ du lịch tại đảo. Để khắc phục tình trạng này, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải thông báo tới các doanh nghiệp du lịch và du khách về phương án phân luồng giao thông tạm thời trên tuyến đường vào bên phà Gót. Cụ thể: tạm thời cấm tất cả các loại xe khách từ 29 chỗ trở lên vào các ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật từ ngày 22/6/2018. Công ty Cổ phần Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng sẽ có người mặc đồng phục hỗ trợ hành khách vận chuyển hành lý lên xuống xe qua phà; xe khách sẽ được trông giữ miễn phí tại bãi cuối đường Tân Vũ - Lạch Huyện; sẽ có xe bus công cộng phục vụ du khách miễn phí từ bến phà Cái Viềng đến trung tâm thị trấn Cát Bà.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và thông tin kịp thời cho doanh nghiệp lữ hành và du khách về các loại hình và hướng tuyến giao thông khác để du khách lựa chọn khi có nhu cầu tham quan quần đảo Cát Bà. Ngoài tuyến đường bộ qua phà Gót, du khách đến Cát Bà có thể lựa chọn hình thức vận chuyển bằng tàu cao tốc xuất phát từ Bến Bính hoặc phà Tuần Châu (Quảng Ninh) - Gia Luận. Đồng thời hướng dẫn, khuyến khích nhân dân và du khách lựa chọn thời gian đi du lịch Cát Bà vào các ngày trong tuần thay cho dịp cuối tuần.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ du khách trong những ngày cao điểm, Sở Du lịch đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải, các phòng chức năng của các Sở, ngành liên quan thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách
Đối với vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà, hiện nay có 101 tàu du lịch, trong đó có khoảng 49 tàu tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây,vịnh Lan Hạ lại được nhiều du khách ưa thích lựa chọn tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh vì không chỉ là điểm đến có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái đa dạng mà còn có nhiều bãi tắm nhỏ phục vụ du khách trên hệ thống các đảo trên vịnh Lan Hạ. Đây chính là lợi thế để phát triển loại hình du lịch tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh.
Trước lợi thế đó, nhằm đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch và tăng sức chưa cho du lịch Cát Bà, thành phố đã giao Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải xây dựng Đề án Quy hoạch, quản lý địa điểm neo đậu cho tàu lưu trú qua đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà với 04 khu vực cho tàu tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh; Sở Du lịch xây dựng Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tạo hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả các hoạt động du lịch trên vịnh đảm bảo chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường thu hút khách du lịch đến với Cát Bà.
Hải Phòng là thành phố cảng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: quần đảo Cát Bà , bãi biển Đồ Sơn, và các điểm tham quan khu vực nội đô; cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị và du lịch như: đường cao tốc, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, và nhiều dự án đầu tư du lịch tầm cỡ. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, Du lịch Hải Phòng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Từ năm 2010 đến nay, Hải Phòng đã thu hút gần 60 dự án đầu tư du lịch, trong đó chủ yếu là các khu du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, sân golf… Tính đến ngày 30/6/2017, Hải Phòng đã đón 3,07 triệu lượt du khách, tăng 10,7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 355,5 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, bình quân trên 12%/năm, khách du lịch tăng bình quân 7,5%/năm. |
Minh Huệ