Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, cả 3 địa phương đều là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội, đều duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao.
Trong đó thành phố Hải Phòng đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài với khoảng 3,5 tỷ USD, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt 72% kế hoạch năm. Tỉnh Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 9,94%; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD. Còn Hải Dương, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 38.478 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Về giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Quảng Ninh và Hải Phòng đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước, lần lượt là 82% và 52%, tuy nhiên Hải Dương mới chỉ đạt 38%.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thành viên Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, nhất là tại các khu vực biên giới, cảng biển, vùng biển của Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các địa phương đã có những đề xuất, kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu sử dụng đất, đấu giá đất, lấn biển, mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về xử phạt hành chính, nhà ở xã hội, đầu tư cho các công trình cấp bách để cung cấp điện cho các dự án mới…
Trên cơ sở kết quả thảo luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh là các địa phương giáp ranh đã có sự kết nối, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương, của vùng mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Về những kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu khẳng định, Chính phủ sẽ cố gắng xử lý theo thứ tự ưu tiên; đồng thời, cố gắng hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn với cơ chế phân cấp mạnh cho cơ sở. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục bám sát mục tiêu, dựa trên 3 nguyên tắc: phân cấp cho cơ sở, điều phối các hoạt động phối hợp và nghĩ đến nguồn lực ngoài ngân sách nhiều hơn; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài FDI, tăng tốc trong chuyển đổi số.
Nam Trí Đức