Sáng 22/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với các bộ, ngành, chủ đầu tư và 23 địa phương để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2017 – 2020 có tổng chiều dài 652,86 km, được chia thành 11 dự án thành phần.
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã cơ bản hoàn thành; khối lượng xây lắp đến nay có giá trị khoảng 20.087,13 tỷ đồng/56.742,4 tỷ đồng, tương đương 35,4% giá trị hợp đồng.
Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn các tồn tại, vướng mắc về công tác GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư, đơn vị thi công; nguồn vật liệu đắp nền đường còn thiếu 4,1 triệu m3; một số nhà thầu chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu…
Đối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Tiến độ triển khai đang được thực hiện đúng theo yêu cầu đề ra của Chính phủ và của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện các công việc mà Chính phủ và Bộ GTVT giao.
UBND tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo về GPMB phục vụ thi công cao tốc. Tới thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã và đang thực hiện tốt các nội dung theo đúng yêu cầu của Thủ tướng, Bộ GTVT, đáp ứng được cả tiến độ và chất lượng. Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả bước đầu, còn việc nặng, việc nhiều, việc khó khăn của dự án còn ở thời gian tới.
Để thực hiện tốt công việc sắp tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kiến nghị tới Chính phủ, Bộ GTVT 3 nội dung liên quan tới việc triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn.
Cụ thể, dù đã tập trung cao nhưng kết quả bàn giao hồ sơ GPMB, cắm cọc thực địa GPMB ở địa bàn tỉnh có khối lượng thấp, chỉ mới đạt 16%. Vì vậy, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng lộ trình, bàn giao dần hồ sơ và mốc GPMB tại hiện trường nhằm tạo điều kiện cho các địa phương triển khai kịp thời các nội dung về công tác GPMB.
Để thực hiện 3 dự án cao tốc thành phần qua Hà Tĩnh thì nhu cầu VLXD là 8 triệu m3 và hiện tỉnh đã quy hoạch mỏ có trữ lượng 9 triệu m3, cơ bản đáp ứng nhu cầu dự án. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai thì đối với mỏ VLXD thông thường, Nhà nước không thu hồi đất nên đề nghị Chính phủ bổ sung vào Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2022 cho phép Nhà nước thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho chủ mỏ, đáp ứng đủ nhu cầu triển khai dự án.
Bộ GTVT có văn bản tách công tác GPMB làm tiểu dự án riêng và có ghi “giao cho UBND các tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Tuy nhiên, việc giao tỉnh làm chủ đầu tư tiểu dự án GPMB sẽ có một số vướng mắc liên quan tới bộ máy chủ đầu tư, người quyết định đầu tư. Vậy nên, tỉnh đề nghị Bộ GTVT giao phần việc này theo Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ với nội dung: UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để khi dự án qua huyện nào thì tỉnh sẽ giao cho huyện đó làm chủ đầu tư.
Việc này đã từng được áp dụng với dự án cao tốc giai đoạn 2017 – 2020 đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt khi tỉnh giao cho UBND huyện Đức Thọ chịu trách nhiệm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã thực hiện tốt.
PV