Hà Nội: phát triển chăn nuôi để đảm bảo tăng trưởng

15:27 24/03/2021

Định hướng và giải pháp phát triển chăn nuôi của Thành phố Hà Nội được xây dựng trên cơ sở định hướng chung theo Quyết định số 1520/QĐ - TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Cục Thống kê Hà Nội tăng trưởng của Thành phố Hà Nội năm 2020, GRDP của Thủ đô tăng 3,98 %, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,2% so với năm 2019 (cao nhất trong vòng 9 năm gần đây). Để đạt được được mức tăng trưởng này ngành chăn nuôi đóng một vai trò quan trọng với 1,36 triệu con lợn tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2019, đàn gia cầm với quy mô 39,9 triệu con, tăng 9,3 %, sản lượng hơi xuất chuồng đạt 155,7 nghìn tấn tăng 25,3%, sản lượng trứng gia cầm 2.378 triệu quả tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngành chăn nuôi đạt được kết quả đó là sự vào cuộc của cả Hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, cơ quan chuyên môn của Thành phố Hà Nội chỉ đạo sát sao công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; sự quan tâm ổn định mạng lưới thú y cơ sở; sự đầu tư trang thiết bị dụng cụ chuyên ngành, vắc -xin, hóa chất phòng, chống dịch bệnh đã giúp ngăn chặn có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển. 

Mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi để đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Internet
Mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi để đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi Hà Nội còn một số hạn chế, thách thức đó là: phương thức chăn nuôi của bà con còn nhỏ lẻ, quy mô sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng; thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, môi trường một số nơi bị ô nhiễm nặng, mật độ chăn nuôi tại Hà Nội lớn nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh nhất là các dịch bệnh nguy hiểm (như: Dịch tả lợn châu phi, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm…) là rất cao.

Để đảm tăng trưởng tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 khoảng từ 3-5%, ngành chăn nuôi tại Hà Nội đã và đang tập trung phát triển chăn nuôi theo một số định hướng như sau:

Một là: Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi chăn nuôi trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại có quy mô lớn, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi các khu vực nội thị, các thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi; xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.

Hai là: Phát triển chăn nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng các chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong chăn nuôi.

Ba là: Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đúng quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 của UBND Thành phố về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bốn là: Chú trọng phát triển con giống năng suất, chất lượng cao, làm trung tâm cung cấp con giống (bò thịt, lợn, gia cầm) cho các địa phương khác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh; kiểm dịch xuất, nhập; quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh, buôn bán vật tư, thuốc thú y, nghiêm cấm sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi theo đúng Luật Chăn nuôi và Luật Thú y và các văn bản dưới Luật. 

Vịt được nuôi trên sàn chuồng hở. Ảnh: Internet
Vịt được nuôi trên sàn chuồng hở. Ảnh: Internet.

Đồng thời nhìn rõ được tiềm năng thế mạnh của địa phương để định hướng phát triển chăn nuôi các con vật chủ lực theo định hướng tại Quyết định số 3215/ QĐ-UBND ngày 14/6/2019 của UBND thành phố Hà Nội về ban hành Danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn Thành phố với các định hướng cụ thể:

Chăn nuôi bò: Phát triển đàn bò khoảng 135 nghìn con, tăng 11% so với năm 2020; Phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 13 nghìn tấn, tăng 18% so với năm 2020; sản lượng sữa tươi đạt khoảng 50 nghìn tấn. Nâng cao chất lượng giống, đối với bò sữa tỷ lệ bò HF thuần chủng là 15%, HFF3 là 70%, HFF2 là 10% và HFF1 là 5%. Đối với bò thịt tăng tỷ lệ đàn bò Zebu hóa là 100%; trong đó 50% là bò hướng thịt cao sản chất lượng cao; tập trung chủ yếu giống bò thịt chất lượng cao (như BBB, Wagyu, Angus, Senepol, Droughtmaster …). Tăng tỷ lệ thu tinh nhân tạo, đối với đàn bò sữa 100%; đối với đàn bò thịt trên 80%. Năm 2021, Hà Nội tập trung sản xuất, phấn đấu cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 bê sữa và 56.000 bê thịt các loại, 100.000 liều tinh cọng rạ.

Chăn nuôi lợn: Phát triển đàn đàn lợn khoảng 1,8 triệu con trở lên, tăng 32% so với năm 2020; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 340-360 nghìn tấn, tăng 38 % so với năm 2020. Sử dụng các giống lợn năng suất, chất lượng cao, tỷ lệ nạc đạt từ 55-59%. Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất con giống, chú trọng phát triển đàn nái ngoại và nái thuần chiếm trên 80% vào năm 2021. Phát triển 5% đàn lợn nái các giống lợn bản địa. Nhập ngoại giống lợn đực để phục vụ cho các cơ sở sản xuất tinh lợn; lợn nái ông bà có năng suất chất lượng cao để phục vụ cho các cơ sở sản xuất giống. Năm 2021, Hà Nội tập trung sản xuất giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, giảm dần đàn đực lợn giống trong dân, các cơ sở sản xuất tinh sản xuất được từ 300 - 500 nghìn liều/năm. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên địa bàn toàn Thành phố đạt 80%, sản xuất ra 4 triệu con lợn giống để cung cấp nuôi lợn thương phẩm đặc biệt quan tâm phát triển lợn có nguồn Gen G+.

Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gia cầm giữ ổn định 40 triệu con (năm 2020: 39,9 triệu con); trong đó 30 triệu con gà; 10 triệu con vịt, ngang, ngỗng và gia cầm khác. Phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 156 nghìn tấn (năm 2020 là 155,7 nghìn tấn). Tổng lượng trứng gia cầm các loại giữ ổn định (gà, vịt, ngan, chim và một số gia cầm khác) khoảng 2,65 tỷ quả. Tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; lưu giữ và phát triển các giống gà mía, gà ri, giống vịt cỏ Vân Đình. Năm 2021, Hà Nội tập trung sản xuất ra trên 150 triệu gia cầm giống các loại, đồng thời tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình.

Định hướng và giải pháp phát triển chăn nuôi của Thành phố Hà Nội được xây dựng trên cơ sở định hướng chung theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ, những vẫn có những nét riêng mang tính đặc thù của Thủ đô. Do đó để hoàn thành mục tiêu của ngành năm 2021 cần sự vào cuộc, chung tay góp sức của cả Hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, cơ quan chuyên môn và mọi tầng lớp nhân dân.

Chắc chắn với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, sự đồng tình của người chăn nuôi, người tiêu dùng, ngành chăn nuôi Hà Nội tiếp tục có bước phát triển hiệu quả, bền vững./.

Lê Mai