
Hà Nội: Tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô
Xây dựng hai thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Tây của thành phố Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Kết luận Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Theo Kết luận, về định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lưu ý, việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; kế thừa các định hướng cơ bản của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ - TTg ngày 26/7/2011; khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên; giữ gìn bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa Thủ đô gắn với ngàn năm văn hiến và xác định đây là nguồn lực phát triển mới của Thủ đô...

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng lưu ý nghiên cứu quy hoạch định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố Bắc sông Hồng (khu vực Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn) và thành phố phía Tây Hà Nội (khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai) cùng với 5 trục phát triển.
“Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc và đề xuất một số sân bay trên địa bàn Thủ đô chuyển thành lưỡng dụng để phục vụ nhu cầu trước mắt, lâu dài cho Thủ đô. Ngoài ra, nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... kể cả đường bộ và đường sắt nhằm phát huy vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa của Hà Nội trong Vùng Thủ đô”, Kết luận nêu.
Về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lưu ý, cần nhấn mạnh quan điểm "xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam" theo đúng Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị; bổ sung, làm rõ hơn vai trò của kinh tế du lịch trong giai đoạn tới; nhấn mạnh về các điều kiện đặc thù, tiềm năng của hệ thống sông, hồ và rừng của thành phố...
Đối với Báo cáo tình hình và đề xuất các chính sách trong việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố yêu cầu tiếp tục rà soát các chính sách về đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy, biên chế để bổ sung, hoàn thiện; trong đó lưu ý làm rõ nội hàm, cụ thể hóa các chính sách, bảo đảm các chính sách thực sự có tính đột phá, khả thi, hiệu lực, hiệu quả, thu hút được các nguồn lực tài chính công và tư, phát huy được nguồn lực đất đai, tài sản công, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của Thủ đô và của cả vùng Thủ đô.
T.H
Cùng chuyên mục


Thành phố Lào Cai phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I, giai đoạn 2020 - 2025

Bình Thuận: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Quảng Ngãi: Quy hoạch phân khu 1/2000 Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất và Đô thị Lý Sơn

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng
Bộ trưởng GTVT: Đến cuối năm 2025 cả nước sẽ có 3.000km đường cao tốc
-
TS. Cấn Văn Lực: Thị trường bất động sản đang “khủng hoảng niềm tin”
-
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trên thị trường hàng hóa?
-
TS. Nguyễn Văn Đính: “Sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang bị suy yếu”
-
TS. Sử Ngọc Khương: Hạ tầng giúp TP.HCM tăng cường kết nối vùng đầu tư
-
Thứ cần nhất hiện nay là niềm tin của doanh nghiệp...