Đây là một trong những nội dung trong thông báo kết luận số 480-TB/TU thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 của Thành phố theo đề nghị của UBND Thành phố.
Sau đợt giãn cách thứ 3 (từ sau ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập 3 vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.
Theo đó, 3 vùng gồm có: Nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ); phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).
Trên cơ sở phân vùng, khu vực "vùng đỏ" - vùng có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.
Đối với khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh", Thành phố điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ" bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Được biết, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành văn bản về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2021.
UBND Thành phố giao Sở Y tế chủ trì cùng các đơn vị liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo Thành phố phương án, kịch bản phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn Thành phố theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”.
Đối với khu vực “vùng xanh”, UBND Thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Trên cơ sở phương án được phê duyệt, tham mưu, đề xuất văn bản chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành từ Thành phố đến UBND quận, huyện, thị xã xây dựng ngay kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể tại địa phương, nhất là tại các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh,... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động, không để lúng túng, bị động.
Đồng thời có phương án tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa, an sinh xã hội, sinh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng vùng; tập trung tổ chức cách ly, phong tỏa triệt để “vùng đỏ” bảo đảm chặt chẽ từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
Theo Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 thành phố Hà Nội tính đến sáng 3/9, các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đang được đánh dấu đỏ, có khả năng thuộc "vùng đỏ".
Cũng theo Bản đồ này, các khu vực được đánh dấu màu xanh gồm thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thanh Oai. Các vùng này có khả năng thuộc "vùng xanh". Các khu vực còn lại có khả năng thuộc "vùng cam".
Theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5 do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc: Màu xanh là mức Bình thường mới; Màu vàng là mức Nguy cơ; màu cam là mức Nguy cơ cao còn màu đỏ là mức Nguy cơ rất cao.
Và "vùng đỏ" ở quy mô cấp xã được xác định khi có một trong các yếu tố dịch tễ: Có chùm F0 chưa rõ nguồn lây hoặc có F0 xác định được nguồn lây nhiễm từ khu công nghiệp, trường học, siêu thị lớn và các khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết .
Ở quy mô cấp huyện thì "vùng đỏ" được xác định khi có 30% số xã trở lên có nguy cơ rất cao, nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc có 50% số xã trở lên có nguy cơ cao; hoặc có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã.
Trong một diễn biến khác, ngày 3/9, Công an TP. Hà Nội đã phát đi văn bản hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã... về việc chuẩn bị các điều kiện cần, sẵn sàng phối hợp với Công an TP trong triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện.
Công an TP. Hà Nội đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho người đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR Code trên địa bàn TP (gọi tắt là phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện).
Công an Thành phố đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tập trung nguồn lực, chủ động chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở vật chất để sử dụng phần mềm này.
Theo dự kiến, quy trình tiếp nhận, xét duyệt và cấp giấy đi đường có nhận diện với tổ chức, doanh nghiệp gồm các bước:
Các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thông tin qua cảnh sát khu vực. Cán bộ xã, phường, thị trấn tiếp nhận thông tin được thẩm định từ cảnh sát khu vực và nhập đăng ký của tổ chức, doanh nghiệp. Hệ thống sẽ gửi mail xác nhận trả về tổ chức, doanh nghiệp.
Tổ chức, doanh nghiệp gửi mail danh sách cán bộ, công nhân viên và đính kèm tài liệu liên quan theo quy định. Cán bộ xã, phường, thị trấn duyệt hoặc từ chối duyệt danh sách (trường hợp không được duyệt, hệ thống sẽ gửi mail thông báo lại cho tổ chức, doanh nghiệp); sau đó cán bộ xã, phường, thị trấn gửi lại giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận.
Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho tổ chức, doanh nghiệp cấp, phát cho cán bộ, công nhân viên.
Với cá nhân: Cá nhân phải đăng ký với cảnh sát khu vực của xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Cảnh sát khu vực tiếp nhận, thẩm định lại thông tin và gửi danh sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.
Cán bộ xã, phường, thị trấn sẽ gửi lại giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận. Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại giấy đi đường đã được duyệt, đóng dấu cho cá nhân theo địa bàn quản lý.
Về việc cấp thẻ đi chợ, siêu thị, cảnh sát khu vực sẽ lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn xã, phường, thị trấn quản lý; cảnh sát khu vực gửi danh sách cho cán bộ xã, phường, thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.
Ngoài ra, cán bộ xã, phường, thị trấn gửi lại thẻ đi chợ, siêu thị được duyệt cho công an xã, phường, thị trấn đóng dấu xác nhận. Cảnh sát khu vực sẽ gửi lại thẻ đi chợ, siêu thị đã được duyệt, đóng dấu cho đại diện hộ gia đình theo địa bàn quản lý.
Phương Ngân (T/h)