Hà Nội: Cần có những giải pháp giảm ùn tắc giao thông

10:59 07/12/2020

Nhiều tuyến đường ở Thủ đô tình hình ùn tắc còn diễn biến phức tạp, Thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế…

Trong khoảng 10 năm qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị. Cùng với đó, Trung ương cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như: Đường vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài… Những công trình lớn này đã từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, cải thiện tình trạng giao thông. Nếu như năm 2010, thành phố có 124 điểm ùn tắc, thì đến cuối năm 2011 còn 78 điểm; cuối năm 2015 còn 44 điểm và đến thời điểm cuối tháng 5/2020, chỉ còn 34 điểm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình ùn tắc giao thông ở Thủ đô còn diễn biến phức tạp, xóa điểm ùn tắc cũ lại phát sinh điểm ùn tắc mới. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 23.720 km đường; 462 cây cầu; bảy cầu vượt nhẹ và 33 cầu vượt bộ hành... Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 9,75%, trong khi theo yêu cầu tỷ lệ này phải đạt từ 20% đến 26%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng ô-tô là 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phức tạp hơn.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng ùn ứ, lộn xộn giao thông cũng thường xuyên xảy ra tại 2 đầu cầu vượt Lê Văn Lương - Láng và Trần Duy Hưng – Láng. Các phương tiện tham gia giao thông rất lộn xộn và ý thức không được cao.

Ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, nguyên nhân phát sinh các điểm ùn tắc giao thông tại nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, phố Nguyễn Khang, cầu 361 đường Láng, Ngã Tư Sở, đường Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy - Vành đai 1, cầu Mai Động, nút giao Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm… do ngoài số lượng phương tiện giao thông tăng cao, ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông hạn chế còn do công trường thi công chiếm dụng mặt đường gây ra ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm.

Hà Nội cần có những giải pháp giảm ùn tắc giao thông
Hà Nội cần có những giải pháp giảm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Minh họa)

Theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Ngọc Long, nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ Thủ đô Hà Nội hiện nay xuất phát từ việc chậm trễ xây dựng hoàn chỉnh đường Vành đai 3 và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chưa được đầu tư.

Theo ông Long, đường Vành đai 3 Hà Nội được bắt đầu xây dựng đoạn tuyến đầu tiên từ cầu Thăng Long lên sân bay Nội Bài khoảng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng đến 30 năm sau, vào năm 2010, tuyến đường Vành đai 3 mới xây dựng xong khoảng 57km. Trong khoảng thời gian đó, lưu lượng phương tiện tăng trưởng quá nhanh nên ùn tắc là điều khó tránh khỏi.

“Để giải quyết tình trạng lỗi nhịp của tuyến đường Vành đai 3, đặc biệt là sự quá tải trên cầu Thanh Trì và các tuyến trong nội đô, giải pháp lâu dài là chúng ta phải tức tốc làm đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội nhưng đến nay dự án này triển khai quá chậm trễ”, ông Long nhận định.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, những năm qua, cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Cùng đó, điều chỉnh, tổ chức giao thông phù hợp với điều kiện hạ tầng và lưu lượng phương tiện tại từng thời điểm nhằm tối ưu hóa khả năng thông qua; cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên một số tuyến đường vào giờ cao điểm... Thành phố phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh; sắp xếp luồng tuyến vận tải tại các bến xe nhằm hạn chế xe liên tỉnh vào nội đô và giảm ùn tắc trên tuyến đường vành đai 3…

Nhờ đó, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn đã được cải thiện, số điểm ùn tắc đã giảm so với trước. Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới.

Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ các tuyến đường vành đai, trục đường hướng tâm, các cầu qua sông và các tuyến đường có tính chất liên vùng...; tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp tình hình thực tế.

Hồng Ninh (T/H)