Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, qua đó có những đánh giá cụ thể về hiệu quả của chính sách tín dụng trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp thực hiện các đợt hạ lãi suất điều hành thời gian qua. Quyết định này tác động như thế nào tới nền kinh tế?
Ngân hàng Nhà nước đã có 2 đợt giảm lãi suất điều hành vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua. Ngay cả trên thị trường 1, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Những động thái này nhằm mục đích hỗ trợ cho nền kinh tế bởi khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo, giúp doanh nghiệp và người dân vay vốn dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, tại thời điểm này lãi suất cho vay chưa giảm xuống một cách đáng kể và có thể sẽ cần độ trễ từ 1 đến 3 tháng để lãi suất cho vay thực sự được kéo xuống.
Vậy theo ông, với “sức khỏe” hiện tại, các doanh nghiệp có đủ sức hấp thụ nguồn vốn của đợt hạ lãi suất này hay không?
Trước hết cần nói về vấn đề thanh khoản ngân hàng. Theo quan sát của tôi, một số ngân hàng quy mô nhỏ vẫn còn gặp khó về thanh khoản và huy động vốn nên lãi suất vẫn giữ ở mức cao. Khi thanh khoản kém dồi dào, việc cho vay ra cũng sẽ thận trọng hơn.
Thêm nữa, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động lên đến 60.000 doanh nghiệp, tức khoảng 20.000 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng, thay vì mức khoảng 11.000 doanh nghiệp/tháng như năm trước. Điều này phản ánh mức độ rủi ro của nền kinh tế đang tăng cao, các doanh nghiệp cũng còn gặp khó khăn. Rủi ro gia tăng như vậy, lãi suất ngân hàng cũng sẽ khó giảm.
Do đó, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có động thái giảm lãi suất điều hành thì việc vay vốn của doanh nghiệp cũng không dễ dàng.
Doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng được chuẩn dẫn đến khó vay vốn ngân hàng là điều không khó hiểu. Nhưng ngay cả khi đủ sức khỏe, đủ tiêu chuẩn vay vốn, nhiều doanh nghiệp cũng khá thận trọng khi vay ngân hàng. Nguyên nhân vì sao thưa ông?
Doanh nghiệp vay vốn cũng phải tính đến phương án trả tiền ngân hàng. Nếu thị trường cầu tăng nhưng cung giảm, sản xuất ra nhiều không bán được hàng trong khi vẫn phải vận hành bộ máy sản xuất kinh doanh và trả lãi ngân hàng thì áp lực tài chính với doanh nghiệp rất lớn.
Chưa kể, có doanh nghiệp càng sản xuất kinh doanh càng thua lỗ, càng vay nhiều mở rộng quy mô càng trở nên khó khăn, chịu áp lực lớn khi trả lãi vay ngân hàng.
Do đó, ngay cả những doanh nghiệp khỏe cũng vay vốn rất cầm chừng để chờ đợi sự phục hồi của nền kinh tế.
Vậy theo ông, đâu sẽ là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh này?
Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) không thể vay vốn ngân hàng vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Trong khi SME chiếm tỷ trọng tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Nếu những doanh nghiệp này gặp khó thì nền kinh tế cũng sẽ gặp khó khăn. Vì vậy cần tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn cho SME.
Một trong những cách gỡ khó tôi đề xuất là cần xây dựng một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia.
Trước đây, Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ về bảo lãnh tín dụng (2018) từng cho phép thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương với số vốn điều lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 2 tỷ đồng. Với nguồn vốn điều lệ như vậy, các quỹ này không thể bảo lãnh nhiều được. Do đó, cần thành lập một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng
Khi đó, doanh nghiệp cần vay vốn sẽ nộp hồ sơ tại quỹ bảo lãnh này. Quỹ xét duyệt xem khả năng hoạt động, dòng tiền của doanh nghiệp thế nào để quyết định bảo lãnh và chuyển hồ sơ cho ngân hàng để ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn. Những quy chế, quy định của quỹ bảo lãnh có thể cởi mở hơn so với chuẩn tín dụng của ngân hàng. Chỉ có vậy, ngân hàng mới có thể mạnh tay rót vốn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để vận hành quỹ một cách hiệu quả, tránh những tiêu cực, trục lợi quỹ bảo lãnh.
Xu hướng lãi suất ngân hàng từ nay tới cuối năm liệu sẽ có biến động ra sao, thưa ông?
Từ nay đến cuối năm, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất thì sẽ là tín hiệu mừng cho doanh nghiệp bởi tăng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất rẻ hơn nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.
Bởi trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, nếu lãi suất trong nước tiếp tục giảm sâu sẽ tăng áp lực lên tỷ giá, gây bất ổn trên thị trường ngoại hối, hàng hóa nhập khẩu tăng giá kéo theo rủi ro về lạm phát gia tăng, thu hút đầu tư nước ngoài cũng sẽ bị ảnh hưởng...
Thêm nữa, nếu lãi suất tiếp tục hạ, huy động vốn tại các ngân hàng có thể sẽ suy giảm, dòng tiền có thể bị rút ra để đầu tư vào các kênh khác sinh lời tốt hơn.
Do đó, tôi ủng hộ việc thắt chặt chính sách tiền tệ, chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, giữ chân được tiền gửi tại ngân hàng giúp giảm căng thẳng trong thanh khoản và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, tạo ổn định trên tất cả các thị trường và kiểm soát rủi ro tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Phương (TTXVN)