Google, Facebook, YouTube, Netflix sẽ đăng ký nộp thuế trực tuyến tại Việt Nam

09:23 03/03/2021

Google, Facebook, YouTube, Netflix dù không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng hoạt động qua phương thức thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ phải đăng ký thuế, khai thuế và nộp các nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ để lấy ý kiến dư luận.

Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, hay Netflix… có thể kê khai và nộp thuế trực tiếp qua việc đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Google, Facebook, YouTube, hay Netflix… có thể kê khai và nộp thuế trực tiếp qua việc đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế..

Và Google, Facebook, YouTube, Netflix dù không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng hoạt động qua phương thức thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ phải đăng ký thuế, khai thuế và nộp các nghĩa vụ thuế tại cơ quan quản lý thuế của Việt Nam.

Dự kiến, các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài được phép đăng ký giao dịch điện tử, đăng ký thuế lần đầu thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Sau khi đăng ký thuế, nhà cung cấp nước ngoài được cấp mã số thuế loại 10 số. Cơ quan quản lý cũng xây dựng các quy định về kê khai, nộp thuế theo hướng có nhiều phương án để nhà cung cấp nước ngoài lựa chọn.

Một là kê khai và nộp thuế trực tiếp hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế) tại Việt Nam thực hiện.

Với trường hợp nộp trực tiếp, sau khi nhận được mã định danh khoản phải nộp do cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông báo, nhà cung cấp ở nước ngoài sử dụng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thuế bằng đồng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam vào tài khoản thu ngân sách theo hướng dẫn tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài nộp thừa so với số thuế phải nộp theo tờ khai thì nhà cung cấp ở nước ngoài được bù trừ tự động với số thuế phải nộp ở kỳ kê khai, nộp thuế tiếp theo.

Nếu các Google, Facebook, YouTube, hay Netflix… chọn việc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai, nộp thuế tại Việt Nam thì bên được ủy quyền sẽ thực hiện các thủ tục về thuế (đăng ký, kê khai, nộp thuế) theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp ở nước ngoài.

Nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, hồ sơ, tài liệu và thông tin cần thiết liên quan tới việc làm thủ tục về thuế theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Dự thảo thông tư cũng hướng dẫn trường hợp các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã tự khai, nộp thuế tại Việt Nam thì có thể thông báo cho tổ chức mua hàng tại Việt Nam biết để không phải khấu trừ, nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài.

Tuy nhiên, trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, hoặc có đăng ký nhưng không khai, nộp thuế thì người mua hàng (nếu là tổ chức) hoặc ngân hàng, trung gian thanh toán (nếu người mua là cá nhân) có trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài.

Để hỗ trợ ngân hàng, trung gian thanh toán trong các giao dịch khấu trừ, Bộ Tài chính hướng dẫn nếu cá nhân thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài bằng thẻ, hoặc các hình thức khác mà không thể khấu trừ, các đơn vị này có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày mùng 10 hàng tháng gửi thông tin về Tổng cục thuế.

Hiện Google, Facebook, YouTube, hay Netflix và cả sàn thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) cũng đang hoạt động, kiếm lợi nhuận tại Việt Nam. Doanh thu của các nhà cung cấp này lên đến hàng tỷ USD.

Dự kiến số thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng và cơ quan Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang rốt ráo đưa ra các giải pháp để thu thuế của các nhà cung cấp này trong thời gian tới.

Lâu nay, các cá nhân, tổ chức tự kê khai, tự nộp thuế và họ đã thu nộp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng.

Theo cơ quan Thuế, số thu thuế của các tổ chức thương mại điện tử nước ngoài trong các năm 2018 đến 2019 đạt ngưỡng nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2018, thuế từ các doanh nghiệp tự kê khai và nộp khoảng 800 tỷ đồng, năm 2019 trên 1.000 tỷ đồng. Nhưng số thu này vẫn chưa phản ánh được hết thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói trên.

Minh chứng, số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp giữa năm 2020, Netflix cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet tại Việt Nam từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng.

Đến nay, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các gói thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt trên 300.000 đồng/tháng, tính ra mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam.

Các thuê bao Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng kí sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng. Đáng nói, Netflix hiện chưa có chi nhánh hoặc đại lý chính thức nào tại Việt Nam và chưa đóng thuế.

Lãnh đạo ngành Thuế cho biết, ngành thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp nền tảng như Netflix, Amazon, Google, Youtube,…tới trao đổi, hướng dẫn về các nghĩa vụ thuế theo quy định mới, biện pháp quản lý trong thời gian tới để họ hiểu và thực hiện.

PV