Những câu chuyện buồn
Trong bối cảnh hội nhập, nhiều nền văn hóa bị tác động mạnh mẽ đòi hỏi chúng ta cần có sự nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, cẩn trọng. Sự phát triển và hội nhập sẽ kéo theo nhiều những tệ nạn xã hội. Đây là một hiện thực nhức nhối trong đời sống nói chung và ở một số bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Lát (Thanh Hóa) nói riêng. Đáng buồn hơn là ở một số tộc người, có một số người vô tình hay hữu ý quy kết đó là hậu quả của tục lệ ngủ thăm.
Liên quan đến những nhầm lẫn đáng tiếc này, ông Lương Xuân Ban tâm sự:
“Hiện nay, người Khơ Mú ở bản Đoàn Kết (thị trấn Mường Lát) chúng tôi gần như không còn phong tục ngủ thăm trước khi kết hôn. Ngày xưa, thời chúng tôi, ngủ thăm để tìm hiểu nhau trước khi thành vợ chồng là 18, 20 tuổi và rất trong sáng. Bây giờ yêu nhau, thích nhau là “ngủ thật” với nhau và không còn trong sáng nữa, sau đó mới có rượu chè cưới lần đầu. Mà chúng lấy nhau sớm lắm, chỉ khoảng 16,17 tuổi. Tôi cho rằng một số bạn trẻ bây giờ đã lợi dụng vào văn hóa ngủ thăm của cha ông để làm những điều bậy bạ, thậm chí chúng còn chưa hiểu hết bản chất của tục lệ này”.
Ngồi trong nhà sàn, ông Ban nhìn qua ô cửa nhỏ hồi tưởng lại câu chuyện buồn trong gia đình mình cách đây 6 năm. Đó là trường hợp đứa cháu ruột, Lương Thị Dần. Dần và bạn trai yêu nhau khi đang còn là học sinh. Thời gian tìm hiểu, không giữ được mình, em Dần đã có bầu, sau đó bố mẹ biết chuyện và không cho lấy nhau. Khi mang thai Dần bị đuổi xuống bản khác. Em buồn rầu, xấu hổ và tủi nhục nên đã dại dột tìm đến cái chết bằng việc uống thuốc cỏ cháy (khi đó Dần đang mang thai tháng thứ 3).
“Câu chuyện xảy ra nhiều người cho rằng đó là hậu quả của tục ngủ thăm, nhưng theo tôi hoàn toàn không phải. Giới trẻ bây giờ sử dụng điện thoại, phim ảnh nhiều rồi theo nhau làm những điều bậy bạ khi chưa thành vợ chồng. Chính vì vậy nên đã xảy ra việc mang thai ngoài ý muốn. Hiện tượng xã hội này, không chỉ xảy ra ở đồng bào dân tộc Khơ Mú chúng tôi mà ở đâu cũng có”. (Cụ Ban nhấn mạnh).
Trụ sở UBND xã Mường Lý, huyện Mường Lát nằm chót vót trên đỉnh núi. Mặt trời đứng bóng, chúng tôi đã có mặt ở phòng làm việc của anh Ngân Văn Thao, cán bộ tư pháp xã. Qua lời kể của anh Thao, chừng một thập niên trở lại đây, ở xã Mường Lý, một số người đã lợi dụng tục ngủ thăm của ông bà để làm những điều bất chính. Bên cạnh đó cũng có không ít người nhầm lẫn hoặc vô tình quy kết những tệ nạn xã hội xảy ra ở địa phương, bản làng là do hậu quả của tục lệ ngủ thăm. Đó là những trường hợp phụ nữ phải nuôi con một mình, những bé gái có thai khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường,… Bản thân ông Thao cùng 3 cán bộ xã Mường Lý hiện giờ đang nuôi con nuôi. Một số người cho rằng những đứa con nuôi đó là hậu quả của những lẫn ngủ thăm không trong sáng của trai gái trong xã. Những người mẹ đó vì còn rất trẻ, vì phải đi lấy chồng, vì nghèo túng, bệnh tật… nên đã phải gửi con cho người khác nuôi.
Đến thăm bản Nàng 1, xã Mường Lý chúng tôi bắt gặp những gia đình trẻ có hoàn cảnh rất khó khăn, không có công ăn việc làm. Điều đau lòng nhất là các ông bố bà mẹ trẻ này đã sinh ra những đứa trẻ bệnh tật. Đó là trường hợp vợ chồng em H. lấy nhau khi 16 tuổi và sinh ra đứa bé bị u não. Lại có trường hợp em P. đang học lớp 11 bỏ học để lấy chồng, và thật buồn họ đã sinh ra một đứa trẻ tật nguyền.
Khi được hỏi cụ thể về những trường hợp này, đại diện cán bộ văn hóa xã Mường Lý, ông Lò Văn Lặng cho biết: Những trường hợp đó có người, có lúc đã nhầm lẫn cho rằng đó là những “biến tướng” của tục lệ ngủ thăm. Nhưng chúng tôi đã tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu rõ, đây là hậu quả của tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nguyên nhân là do việc kết hôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn dựa vào phong tục, tập quán cũ. Ngoài ra, trình độ dân trí, kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như việc tiếp cận pháp luật của người dân tộc thiểu số còn hạn chế,… Những lý do này hoàn toàn không liên quan gì đến văn hóa ngủ thăm của người Thái chúng tôi (Ông Lặng khẳng định).
Nỗ lực gìn giữ văn hóa
Trước những thông tin thiếu kiểm chứng, cố tình phản ánh sai lệch về văn hóa ngủ thăm của đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Lát, Thanh Hóa chúng tôi đã tìm gặp những người đang ngày đêm miệt mài giữ gìn văn hóa dân tộc mình.
Đến bản Tài Chánh, xã Mường Lý hỏi anh Ngân Văn Thao, ai ai cũng biết. Bởi anh là một bí thư kiêm trưởng bản rất mẫu mực. Anh là người điển hình, tích cực trong việc tuyên truyền để người dân trong bản hiểu đúng và giữ gìn tục lệ tốt đẹp dân tộc Thái trong đó có tục lệ ngủ thăm.
Anh tâm sự: “Cho đến nay, theo thời gian một số phong tục của người Thái đã bị hiểu nhầm và mai một. Văn hóa ngủ thăm cũng vì thế mà bị nhầm lẫn là một tập tục lạc hậu”.
“Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương và những người trưởng làng, trưởng bản như chúng tôi đã ngày đêm vận động, tuyên truyền đến từng người, từng gia đình. Lồng ghép nội dung tuyên truyền vào những buổi họp thôn bản. Cán bộ cơ sở đã tích cực tư vấn, truyền thông trực tiếp, đến từng nhà vận động nhằm thay đổi tư duy, cách nghĩ của người dân về các vấn đề xã hội, về việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc”.
Muốn có những cuộc tình tốt đẹp và những cuộc hôn nhân hạnh phúc thì thanh niên nam nữ phải có nhận thức đúng đắn trong tình yêu, phải hướng đến những giá trị tốt đẹp và giành cho nhau những tình cảm trong sáng, không lợi dụng tục lệ để làm hại bạn mình. Người dân cũng phải thấy được nguyên nhân dẫn đến những tệ nạn xã hội kể trên là gì để không bị nhầm lẫn với phong tục tốt đẹp của cha ông. Mục đích để lớp trẻ có cuộc sống lành mạnh, hiểu đúng và có ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc mình. Cũng theo anh Dóm, để không còn những sự nhầm lần này, địa phương cần khuyến khích các tri thức bản địa sáng tác những bài khặp, ca chống lại sự lạm dụng cũng như hiểu nhầm về tục lệ.
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi, biên giới thông qua các chương trình, dự án cụ thể, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thành công bước đầu trong “cuộc chiến” chấn chỉnh việc hiểu sai về phong tục ngủ thăm ở Mường Lát đó là nhận thức của phần lớn người dân đã được nâng lên. Đến nay, người ta không còn cho rằng ngủ thăm là một tập tục lạc hậu.
Nguyên nhân có những nhầm lẫn giữa văn hóa ngủ thăm và những tệ nạn xã hội là do con người đã nhận diện chủ quan, phiến diện về phong tục tốt đẹp này. Họ quên rằng nếu chỉ nhìn vào hiện tượng thì không thể biết tập tục ngủ thăm gắn liền với những giá trị thiêng liêng và nhân văn to lớn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Văn Thương chia sẻ: "Những khác biệt trong văn hóa giữa các dân tộc anh em đã tạo nên sự phong phú trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Vì thế, sự khác biệt trong bản sắc văn hóa của mỗi tộc người đều phải được khẳng định và ứng xử công bằng trên tinh thần tôn trọng. Sự nhìn nhận thiếu chính xác về văn hóa ngủ thăm ở một bộ phận người đã làm tổn thương sâu sắc đến đồng bào dân tộc thiểu số. Nguy hiểm hơn đã tạo nên cái hố ngăn cách, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần đại đoàn kết dân tộc".
“Tôi kịch liệt phản đối những thông tin liên quan đến tục ngủ thăm không đúng. Người Ta cứ bêu xấu những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thì rất nguy hiểm”, ông Hà Văn Thương nhấn mạnh.
“Tấm thổ cẩm Tổ Quốc” là một bức tranh đa sắc. Những nét văn hóa sinh động, khác biệt chính là “vốn tài sản vô giá” của đồng bào dân tộc thiểu số. Tạm biệt miền huyền thoại ẩn chứa trong tục ngủ thăm nơi Cổng Trời, Mường Lát, hy vọng một ngày không xa các nhà nghiên cứu văn hóa sẽ tìm hiểu sâu hơn về phong tục ngủ thăm để lưu giữ nét văn hóa đầy tính nhân văn này.
Ghi chép: Minh Hiền