Thứ ba 19/11/2024 04:56
Hotline: 024.355.63.010
Nghiên cứu - Dữ liệu

“Gõ cửa” miền huyền thoại mang tên... ngủ thăm- Bài I: Văn hóa ngủ thăm

15/12/2020 11:35
Chỉ một lần ngủ lại bản xa, say tiếng sáo ôi của chàng trai trẻ đi tìm bạn tình mà lòng tôi xốn xang khó tả. Tôi mơ tưởng xa xăm về một mối tình đẹp của trai gái vùng cao qua những lần ngủ thăm khi tình yêu chớm nở.

Và với lòng hối thúc mãnh liệt, tôi quyết định lên với đồng bào dân tộc ở Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa để “gõ cửa” miền huyền thoại mang tên... ngủ thăm này.

Trong không gian tĩnh lặng của núi rừng mù sương
Không gian tĩnh lặng của núi rừng mù sương.

Truyện kể nơi "Cổng trời"

Câu chuyện cổ tích mang tên ngủ thăm của một số đồng bào dân tộc vùng cao nước ta luôn là điều tò mò đối với bất cứ ai từng đặt chân đến. Bên cạnh việc thể hiện khát vọng tự do yêu đương, tự do chọn bạn đời của những chàng trai, cô gái khi đến tuổi “cập kê”, ngủ thăm còn là nét văn hóa mang ý nghĩa gắn kết dân tộc, cộng đồng. Phong tục tốt đẹp này tưởng chừng đã rơi vào quên lãng nhưng lại hiện hữu ngay trong lời kể của già làng nơi Cổng Trời Mường Lát khi chúng tôi đến thăm.

Trong không gian tĩnh lặng của núi rừng mù sương, bên những con dốc thăm thẳm và những bản làng cao xa hun hút, chúng tôi theo chân anh cán bộ văn hóa xã tìm gặp cụ Ngân Văn Thuyết ở bản Nàng 1, xã Mường Lý để được chuyện trò cùng cụ, người cao tuổi nhất bản. Trên ngôi nhà sàn cổ kính, bên bếp than hồng, nhâm nhi ấm trà gừng, ngược dòng thời gian, cụ Thuyết say sưa kể lại câu chuyện tình yêu của những chàng trai cô gái Thái khi đến tuổi “cập kê”.

Ngày xưa, đa số trai gái quen nhau là qua các buổi đi chơi xuân, chơi cọ bông, lễ hội,…Nếu hai người thích nhau sẽ hẹn hò, chàng trai sẽ đến nhà cô gái chọc sàn để được nàng mời lên nhà trò chuyện. Cái dụng cụ để chọc sàn là chiếc gậy, nó vừa làm tín hiệu cho tình yêu, vừa là vũ khí tự vệ của các chàng trai khi đi trong đêm tối để xua đuổi thú dữ. Hành động chọc sàn thể hiện nét duyên ngầm, niềm khao khát tự do yêu đương của những chàng trai cô gái Thái.

Cô gái mà chàng trai đến tìm hiểu có thể ở cùng bản nhưng cũng có thể là ở bản xa. Người con trai phải đi bộ qua nhiều đỉnh đồi, nhiều con suối, băng qua những cánh rừng, sợ nhất là thú dữ. Nhưng do động lực của tình yêu họ đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đến được với người mình yêu. Khi đến được nhà người mình yêu rồi, để lý giải vì sao lại đến chơi, người con trai đổ lỗi cho hoa mua, hoa ban:

“Ở chòi nương anh thấy buồn rầu

Ở chòi ruộng anh thấy nhớ nhung

Anh không đến hoa mua rủ đến

Anh không đi hoa ban rủ đi

Bản trên anh không đến

Bản dưới anh không đi

Anh đến nơi có nộc thua đang đợi

Anh đến nơi thua hý đang mong”.

Để lên được nhà sàn, ngồi bên bếp lửa trò chuyện với người con gái mình yêu, chàng trai phải xin phép bố mẹ cô gái nhưng cũng có gia đình không cần (bởi nhiều bố mẹ rất tôn trọng và tin tưởng việc lựa chọn hôn nhân của con gái mình và cho rằng đó là ý trời). Những đêm trò chuyện đó mãi đến đêm khuya, chàng trai thường phải ngủ lại nhà cô gái, gọi là “ngủ thăm”.

Cụ Thuyết nhấn mạnh: “Chúng tôi phải ngủ lại vì sợ ra về sẽ bị trai trong bản trêu ghẹo, có khi đánh nhau nhưng phần nhiều là do cả hai không muốn xa nhau. Có người ngủ lại nhà với gia đình trong gian dành cho khách. Còn tôi, ngày đó, tôi ngủ lại cùng giường với người con gái tôi yêu nhưng rất lễ phép. Chúng tôi trò chuyện, tâm sự ở chung một giường mà không chạm vào người nhau. Trong không gian tĩnh lặng, ấm cúng đó chúng tôi nói những lời yêu thương, kể cho nhau nghe về những câu chuyện tình đẹp và chia sẻ về những mong ước, khát vọng của một gia đình hạnh phúc trong tương lai. Sáng mai tầm 4h là tôi ra về khi gia đình cô gái chưa dậy. Những ngày đó, ban ngày đi làm nương rẫy, tôi chỉ mong cho trời nhanh tối để được đến nhà bạn gái”.

Cụ kể đến đây, chúng tôi ai nấy đều thắc mắc về cái mà cụ gọi là “rất lễ phép” kia. Cụ Thuyết nhìn xa xăm ra con suối trước mặt, rít thêm một điếu thuốc lào, cụ cười hiền từ và giọng nói nghiêm túc “Không có gì cả”!

Chúng tôi tin cụ. Bởi người Thái có những quy định rất khắt khe khi trai gái yêu nhau mà “ăn cơm trước kẻng”. Tùy theo mức độ vi phạm chàng trai sẽ bị phạt làm thịt lợn, trâu bò để chia cho cả làng đều ăn hoặc đền bù cho nhà gái đồ trang sức quý giá. Thậm chí hai người còn bị mang tiếng từ đời này sang đời khác và bị dân làng xa lánh. Sự nghiêm khắc này giúp nam nữ người Thái luôn có ý thức giữ gìn trong những lần ngủ thăm.

Theo luật tục, người nhà cô gái chỉ chấp nhận cho chàng trai ngủ thăm từ 3 đến 4 lần. Nếu thật lòng, người con trai phải chủ động đến trình diện bố mẹ cô gái và xin phép được cưới. Lúc đó, nhà chàng trai nhanh chóng cử người đại diện mang rượu và quà qua nhà cô gái để đáp lời “nhận trâu” và bàn các thủ tục cho đôi trẻ cưới nhau.

Nét duyên dáng của những cô gái
Nét duyên dáng của những cô gái.

Chúng tôi đang say sưa trong câu chuyện tình yêu đẹp đầy lãng mạn qua những lần ngủ thăm của cụ Thuyết thì cụ bà đi làm nương trở về. Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng cụ có làn da hồng hào, mái tóc bạc phơ. Cụ cười tươi tắn khi nhìn thấy chúng tôi những người khách lạ đến thăm. Ông bà Thuyết cũng như bao người Thái nơi “Cổng Trời” Mường Lát đã thành vợ thành chồng và có cuộc sống gia đình hạnh phúc từ những lần ngủ thăm ấy.

Rượu Cần - nét văn hoá độc đáo  trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Thái
Rượu Cần - nét văn hoá độc đáo trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Thái.

Cuộc hành trình gặp gỡ và trò chuyện với những người Thái thân thiện, mến khách cùng những câu chuyện tình không có hồi kết, chúng tôi như lạc vào thế giới cổ tích. Tạm biệt cụ Thuyết, tạm biệt người Thái ở Mường Lý, trong đầu tôi văng vẳng câu nói của cụ “Không có gì cả”. Với sự tò mò và lòng hối thúc mãnh liệt, chúng tôi lại tiếp tục đến với đồng bào dân tộc Khơ Mú.

Người Khơ Mú ở Mường Lát chỉ có 2 bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn nay là thị trấn Mường Lát) và bản Lách (xã Mường Chanh). Con đường độc đạo nối đồng bào dân tộc Khơ Mú bản Đoàn Kết với thế giới bên ngoài thật đặc biệt. Bản xa nằm lọt thỏm giữa núi rừng Mường Lát hùng vĩ.

Ngồi bên bếp lửa và những đứa cháu vây quanh, ông Lương Xuân Ban, 77 tuổi, kể lại. Ngủ thăm tiếng Khơ Mú là “Si hớp”. Đến tuổi trưởng thành, khi các chàng trai người Khơ Mú muốn tìm hiểu người vợ tương lai của mình sẽ tìm đến nhà cô gái chọc sàn, ngủ thăm. Cũng như đồng bào dân tộc Thái, trai gái người Khơ Mú có thể ở bên nhau, tâm sự thâu đêm nhưng phải kiêng kị việc gần gũi, không dám phạm vào những quy tắc của bản làng đã ràng buộc họ. Nếu những lần ở lại ngủ thăm đó, họ làm chuyện “tày trời” thì người con gái sẽ bị làng đuổi ra khỏi làng.

Sau thời gian ngủ thăm nếu đôi trai gái quyết định đến với nhau thì họ sẽ nhờ ông mai bà mối cử hành hôn lễ. Trong trường hợp cô gái hoặc chàng trai không muốn tiến tới hôn nhân thì có thể ngỏ ý hoặc nhờ ông mai bà mối đưa tin cho đối phương để hủy bỏ mối duyên này. Trường hợp này thường rất ít, bởi một khi đôi trẻ đã quyết định ngủ thăm đồng nghĩa với việc bố mẹ cô gái chấp thuận người con trai này trong nhà rồi và trai gái đã yêu nhau rồi mới quyết định ngủ thăm.

Với người dân tộc Khơ Mú thì ngủ thăm là một phong tục đặc sắc, nghiêm ngặt trong văn hóa giao duyên, tìm vợ của người con trai. Nó chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, nét duyên ngầm và khát vọng tự do trong tình yêu lứa đôi. Lý giải vì sao có tục ngủ thăm, ông Ban cho rằng có thể bắt nguồn từ câu chuyện huyền thoại truyền miệng của một số đồng bào dân tộc vùng cao hay kể.

Câu chuyện kể lại rằng, từ thuở hồng hoang, chỉ có 2 người sinh sống, 1 nam, 1 nữ. Khốn khổ cho 2 con người ấy là ở cách xa nhau bởi nhiều ngọn đồi, nhiều dãy núi. Trời bắt họ phải tìm đến nhau. Họ mải miết tìm nhau vượt qua bao đèo cao, suối sâu, bao nhiêu thú dữ mới tìm thấy nhau. Khi gặp nhau, tóc đã điểm bạc, họ nhanh chóng trở thành vợ chồng mà quên mất đi cái dụng ý của trời là buộc họ phải làm quen hơi nhau và hậu quả đã xảy ra. Họ thành vợ chồng, sinh con đẻ cái nhưng tâm hồn mãi không thể hòa hợp. Do vậy tổ tiên đã buộc con cháu khắc phục thiếu sót bằng cách trước khi lấy nhau, muốn hạnh phúc, muốn gắn kết với nhau đều phải trải qua tục ngủ thăm.

“Tục ngủ thăm nhằm mục đích để đôi trai gái tìm hiểu nhau kĩ hơn, để quen hơi nhau trước khi quyết định đến hôn nhân. Do cuộc sống ngày càng hiện đại, văn hóa ngủ thăm đã dần bi lãng quên. Trai gái giờ bỏ qua hết chuyện ngủ thăm để đi đến kết hôn”, ông Ban buồn rầu kể lại.

Góc nhìn văn hóa về tục ngủ thăm

Để rõ hơn về tục chọc sàn, ngủ thăm của đồng bào dân tộc Thái ở Thanh Hóa, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Quang Thẩm, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa, nguyên Quyền trưởng ban Dân tộc tỉnh. Là người dân tộc Thái và chuyên nghiên cứu văn hóa Thái, ông cho biết: Chọc sàn là phong tục đẹp trong tiền hôn nhân của người dân tộc Thái Thanh Hóa. Mỗi vùng, mỗi mường có những kiểu chọc sàn khác nhau nhưng đều là lời tỏ tình giao duyên của các đôi trai gái khi đến tuổi kết hôn. Đôi trai gái đã quen nhau và có tình tứ yêu nhau nhưng ban ngày họ đi làm nương rẫy không có thời gian tâm sự, người con trai hẹn với bạn gái đến nhà chơi vào ban đêm. Người Thái thường ở nhà sàn. Đôi trai gái thống nhất ký hiệu bằng khăn piêu, một nửa chiếc khăn piêu để lộ xuống dưới sàn nhà để không bị chọc nhầm vào người khác. Vào khoảng thời gian đã hẹn chàng trai tìm đến nhà bạn gái để chọc sàn. Hành trang của chàng trai mang theo gồm khèn bè, sáo ôi và một đoạn gỗ nhỏ dài 50 cm dùng để chọc sàn. Trước khi chọc sàn người con trai thổi khèn hoặc thổi sáo từ xa báo hiệu với bạn gái: “Anh đã tới với em, em dậy cất chiếu cất chăn màn, buộc tóc chải đầu để tâm sự với anh, giấc ngủ không thay được mối tình đầu em ơi …”

Khi đến gần sàn nhà chàng trai lấy đoạn gỗ chọc nhẹ lên đúng chỗ có kí hiệu nửa chiếc khăn piêu, nàng liền dậy mở cửa mời chàng trai vào nhà và tâm sự thâu đêm. Những đêm sau nàng chỉ cần nghe tiếng khèn hoặc tiếng sáo ôi là nhận ra chàng trai của mình nên không cần chọc sàn nữa. Chàng trai ở lại nhà cô gái đó gọi là “ngủ thăm”. Nếu 2 người ngủ thăm cùng nhau thì có chén nước đặt ở giữa. Ý muốn nói là 2 người ở qua đêm nhưng không được vượt qua giới hạn “chén nước”. “Luật lệ người Thái rất nghiêm ngặt, nếu có chuyện gì xảy ra sẽ phạt tội rất nặng”.

fewf
Các cô gái làm duyên.

Cũng là người dân tộc Thái và dành nhiều năm nghiên cứu, lưu giữ văn hóa, chữ viết của dân tộc mình, ông Hà Văn Thương, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, lý giải bản chất và nguyên nhân sâu xa có tục tệ ngủ thăm ở người Thái Thanh Hóa nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nước ta nói chung.

Cho đến nay cũng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách bài bản khẳng định những vấn đề liên quan như văn hóa giao tiếp trong quan hệ yêu đương, văn hóa ứng sử hay vấn đề tâm lý dân tộc ở khu vực vùng cao biên giới. Có lẽ do đường xa, đi lại khó khăn, ngày xưa thú dữ nhiều; cũng có trường hợp đã bị hổ lùa, nên về khuya không ai dám xuống sân. Nhưng có lẽ phần nhiều, khi đến tuổi yêu đương các đôi trai gái có nhu cầu tìm hiểu về tình yêu và sự níu kéo của tình yêu khi mới chớm nở. Cũng có khi bố mẹ cô gái muốn thử lòng chung thủy của người con trai nên mới cho chàng trai ngủ lại nhà mình. Có lẽ những vấn đề nêu trên là nguyên nhân sâu xa hình thành tục ngủ thăm.

Ông Thương khẳng định: Ngủ thăm là một tục lệ rất nhân văn, nó để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong quan hệ của các đôi tình nhân. Đây cũng là một phép thử về tính trong sáng trong quan hệ yêu đương. Về vấn đề này Liệt sỹ Kha Xuân Dừa đã từng viết:

"Yêu đã lâu nhưng chưa một lần âu yếm

Em đến gần nhưng chưa ghé một nụ hôn.

Yêu thương em anh muốn em ngày ấy

Giữ trọn mình cho đến phút tân hôn".

Khi đã bén duyên, người con trai không đến với nàng anh sẽ không chịu nổi. Người con gái chờ đợi trong sự ưu tư, buồn phiền. Chính vì lẽ đó, mỗi khi gặp nhau, đôi bạn sẽ trò chuyện thâu đêm rồi thiếp đi lúc nào không biết. Có hôm chàng trai ngủ lại nhà cô gái bên bếp lửa cũng có hôm ngủ chung với cô gái nhưng họ vẫn “Giữ trọn mình cho đến phút tân hôn”.

Để giữ cho sự trong sáng trong quan hệ đôi lứa người Thái dùng 2 cái cơ bản là: Sự tôn trọng lẫn nhau và luật pháp (luật bản, lệ mường). Ngoài ra, họ còn dùng cả dư luận để phản đối những việc làm không đúng với tục lệ ngủ thăm.

Theo lời kể của ông Thương, ngoài ý nghĩa thể hiện mối quan hệ yêu đương của một số đồng bào dân tộc thiểu số, tục lệ ngủ thăm còn thể hiện mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình, dòng tộc, khách đến nhà chơi. Ngủ thăm theo tiếng Thái là “Non giám”. Khách đến nhà, khách qua đường, không kể tuổi tác, giới tính, vì một lý do nào đó như trời tối hay chủ yếu đến thăm nhà mà nghỉ lại gọi là ngủ thăm. Ngủ thăm là truyền thống văn hóa của các dân tộc ở nước ta nói chung và miền núi Thanh Hóa nói riêng. Nó xuất phát từ việc rất quý trọng khách ở xa đến nên chủ nhà mời ở lại ăn uống, ngủ nghỉ. Ngủ thăm có ý nghĩa khác là gắn kết tình cảm và cầu chúc sức khỏe cho người thân trong gia đình.

Người dân tộc Thái vốn nổi tiếng mến khách. Mỗi khi có khách đến nhà ngủ thăm, gia chủ luôn ưu tiên cho khách những vật dụng mới nhất. Sắm được đồ dùng gì mới, chủ nhà thường không dùng mà cất vào tủ để mỗi khi có khách sẽ mang ra cho khách dùng. Trước đây, vào những ngày đông giá rét, khi nhà có khách đến ngủ thăm, người Thái thường cử một người con gái khỏe mạnh (nếu nhà không có là phải đi mượn) vào trong chăn nằm trước để tạo hơi ấm. Sau đó mới mời khách vào nằm, người con gái đi chỗ khác và nhường chỗ đã ấm này cho khách.

Trải qua thời gian, đến nay tục ngủ thăm ở nhiều nơi cũng như ở đồng bào dân tộc thiểu số Mường Lát, Thanh Hóa không còn nữa. Tục lệ này cũng chưa có một tài liệu, sách vở nào ghi chép, nó chỉ tồn tại trong kí ức của già làng và những nhà nghiên cứu văn hóa. Nhưng những giá trị nhân văn sâu sắc chứa đựng trong đó sẽ là “bất tử” để thế hệ trẻ đồng bào dân tộc thiểu số hiểu, tự hào và gìn giữ tục lệ tốt đẹp của dân tộc mình. Thật đáng buồn nét văn hóa này đã có lúc, có người (kể cả những người hiểu biết) cho là một tập tục lạc hậu.

Bài cuối: Ngủ thăm bị nhầm lẫn là tập tục lạc hậu

Minh Hiền (ghi chép)

Tin bài khác
Bình Thuận đẩy mạnh nghiên cứu phát triển du lịch bền vững

Bình Thuận đẩy mạnh nghiên cứu phát triển du lịch bền vững

Bình Thuận đang triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương.
Phú Thọ: Khám phá tiềm năng du lịch tại Tân Sơn qua chương trình "Discover Xuân Sơn"

Phú Thọ: Khám phá tiềm năng du lịch tại Tân Sơn qua chương trình "Discover Xuân Sơn"

Từ ngày 17 đến 19/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức đón tiếp đoàn Famtrip và Presstrip đến với Xuân Sơn và Long Cốc.
Phú Thọ: 5 học sinh bị đuối nước trên sông Hồng

Phú Thọ: 5 học sinh bị đuối nước trên sông Hồng

Chiều ngày 18/11/2024 trên địa bàn xã Hiền Quan đã xảy ra vụ 5 học sinh bị đuối nước và mất tích trên sông Hồng.
Những sự kiện văn hóa - nghệ thuật hấp dẫn tại TP. Biên Hòa dịp cuối năm

Những sự kiện văn hóa - nghệ thuật hấp dẫn tại TP. Biên Hòa dịp cuối năm

Tháng 12/2024, tại TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) sẽ diễn ra loạt sự kiện văn hóa - nghệ thuật hấp dẫn, có ý nghĩa quan trọng với người dân thành phố.
Phú Thọ: Công bố Nghề dệt thổ cẩm người Mường được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia

Phú Thọ: Công bố Nghề dệt thổ cẩm người Mường được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia

Ngày 18/11, tại khu Dù, xã Xuân Sơn, UBND huyện Tân Sơn tổ chức lễ công bố và trao Quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề thủ công truyền thống - nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài”.
Thanh Hóa nỗ lực trở thành động lực phát triển du lịch của Việt Nam

Thanh Hóa nỗ lực trở thành động lực phát triển du lịch của Việt Nam

Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch Việt Nam.
Thời tiết ngày mai 19/11: Hà Nội có mưa, nhiệt độ giảm mạnh, trời chuyển lạnh

Thời tiết ngày mai 19/11: Hà Nội có mưa, nhiệt độ giảm mạnh, trời chuyển lạnh

Thời tiết ngày mai 19/11, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia dự báo hiện không khí lạnh đang tràn xuống nước ta, tối và đêm nay sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Bắc, khiến nền nhiệt có nơi xuống dưới 15 độ C.
Yên Bái: Tăng cường mối quan hệ công tác giữa các đơn vị nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số giai đoạn 2024 - 2028

Yên Bái: Tăng cường mối quan hệ công tác giữa các đơn vị nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số giai đoạn 2024 - 2028

Chiều ngày 12/11/2024, Liên đoàn Lao động và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã tổ chức ký kết Kế hoạch phối hợp công tác chuyển đổi số giai đoạn 2024 – 2028.
Thời tiết hôm nay 18/11: Miền Bắc giảm nhiệt, miền Trung mưa dông do không khí lạnh

Thời tiết hôm nay 18/11: Miền Bắc giảm nhiệt, miền Trung mưa dông do không khí lạnh

Thời tiết hôm nay 18/11, đang trong giai đoạn chuyển sang mùa khô, Tây Nguyên và Nam Bộ trưa nay trời nắng mạnh. Bão Man-yi sáng sớm nay đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9.
20 lời chúc ý nghĩa bằng tiếng Anh cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

20 lời chúc ý nghĩa bằng tiếng Anh cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, ngoài các món quà về vật chất, có thể gửi đến thầy cô những món quà về tinh thần thông qua những lời chúc ý nghĩa.
Thời tiết ngày mai 18/11: Không khí lạnh tràn về, miền Bắc chuyển lạnh về đêm và sáng sớm

Thời tiết ngày mai 18/11: Không khí lạnh tràn về, miền Bắc chuyển lạnh về đêm và sáng sớm

Thời tiết ngày mai 18/11, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia dự báo do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh, ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa đêm và sáng sớm trời chuyển lạnh.
Họp mặt kỷ niệm 39 năm ngày vào Trường Cảnh vệ T12B Thủ Đức

Họp mặt kỷ niệm 39 năm ngày vào Trường Cảnh vệ T12B Thủ Đức

Ngày 16/11/2024, tại số 19 Mai Chí Thọ, phường An Khánh, TP.Thủ Đức (TPHCM) đã diễn ra buổi Họp mặt kỷ niệm 39 năm ngày vào Trường Cảnh vệ T12B.
Ngày Quốc tế Đàn ông (IMD) 19/11 ra đời như thế nào?

Ngày Quốc tế Đàn ông (IMD) 19/11 ra đời như thế nào?

Ngày Quốc tế Đàn ông (IMD) diễn ra vào ngày 19/11 hằng năm. Tại Việt Nam, ngày này thường không phổ biến và ít được mọi người nhắc đến.
Thời tiết hôm nay 17/11: Đêm nay không khí lạnh đi xuống miền Bắc

Thời tiết hôm nay 17/11: Đêm nay không khí lạnh đi xuống miền Bắc

Thời tiết hôm nay 17/11, Bắc Bộ trưa và chiều nay oi nóng, Trung Bộ, Tây Nguyên trời nắng, Nam Bộ trời nóng. Bão Man-yi vào Biển Đông sẽ yếu nhanh do không khí lạnh.
Phú Thọ: Nâng cao giá trị cho cây bưởi tại Đoan Hùng

Phú Thọ: Nâng cao giá trị cho cây bưởi tại Đoan Hùng

Ngày 15/11, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng tổ chức Hội thảo trao đổi về giải pháp nâng cao giá trị cho cây bưởi.