Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được ví như một Việt Nam thu nhỏ, sở hữu đầy đủ các loại địa hình, hệ sinh thái và vùng các đồng bằng, miền núi, trung du, ven biển. Cùng với nội lực vốn có của ngành du lịch, Thanh Hóa đang từng bước phát huy giá trị trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Đáng chú ý, sự thay đổi cả về "lượng" và "chất" trong hoạt động du lịch những năm gần đây giúp “ngành công nghiệp không khói” xứ Thanh có thêm những bước tiến mới, từng bước định vị thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” trên bản đồ du lịch quốc gia, xứng tầm khu vực động lực của nghành Du lịch VIệt Nam.
Theo số liệu thống kê, hiện Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê bảo vệ, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới; 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh... Cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú, mang sắc thái riêng của 7 dân tộc anh em. Đây là nguồn “vốn” giàu có, là cơ sở quan trọng làm nên không gian văn hóa - du lịch đa sắc màu và nét đặc trưng riêng cho mỗi sản phẩm, mỗi điểm đến ở xứ Thanh.
Thành Nhà Hồ- Di sản văn hóa thế giới tại xứ Thanh. |
Bên cạnh đó, Thanh Hóa có tới hơn 100km đường bờ biển, với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng cả nước như: Sầm Sơn; Hải Tiến (Hoằng Hóa); Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn), cùng với đó là hệ thống hang, động, rừng, hồ dày đặc, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, mát mẻ, là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm... được đánh giá có tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái, trỉa nghiệm.
Với nguồn nội lực đầy tiềm năng, Thanh Hóa đang triển khai nhiều chương trình du lịch, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của địa phương theo chủ trương phát triển du lịch “Hương sắc bốn mùa”. Đến nay, xuyên suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, du khách đều có thể trải nghiệm các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, văn hóa - lịch sử - tâm linh hay sinh thái cộng đồng. Đây chính là một lời khẳng định sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch; là lời mời chào, khích lệ du khách muôn phương đến trải nghiệm, khám phá du lịch Thanh Hóa bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu. Qua đó không chỉ góp phần nhận diện, nâng tầm thương hiệu du lịch, mà slogan “Hương sắc bốn mùa” còn là mục tiêu phát triển của du lịch Thanh Hóa trong giai đoạn mới.
Thanh Hóa đang triển khai nhiều chương trình du lịch, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của địa phương theo chủ trương phát triển du lịch “Hương sắc bốn mùa”. |
Ngoài ra, Thanh Hóa còn là một trong những tỉnh bắt kịp xu hướng phát triển, với một số sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào khai thác, phục vụ du khách như: nông nghiệp, trải nghiệm, sự kiện, mạo hiểm, mua sắm... Nhờ đó, những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa những năm gần đây luôn đứng trong tốp đầu của cả nước về thu hút lượng khách.
Cụ thể, với định hướng phát triển trở thành một trong những trọng điểm du lịch xanh của tỉnh, Vườn Quốc gia Bến En đã tập trung phát triển một số loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái (cắm trại trong rừng, ven hồ, du thuyền trên mặt hồ); du lịch cộng đồng (văn hóa bản địa, ẩm thực); du lịch văn hóa - lịch sử (các di tích danh lam thắng cảnh địa phương); du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe (nghỉ dưỡng, spa); du lịch thể thao, mạo hiểm (trên hồ, trong rừng); giáo dục môi trường (trồng cây)... Qua đó, mang đến cho du khách những trải nghiệm xanh, gần gũi với thiên nhiên. Mặt khác, hoạt động du lịch phát triển sẽ thu hút sự tham gia của cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Vườn quốc gia Bến En- một trong những điểm du lịch thu hút của tỉnh Thanh Hóa. |
Ngoài ra, các khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Bãi Đông... đã, đang nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa. Đi dọc bãi biển Sầm Sơn, du khách dễ dàng bắt gặp những con cá đựng rác được đan bằng lưới sắt khổng lồ, kèm theo là dòng chữ “Đừng xả rác xuống đại dương”, hay “Bảo vệ đại dương - bảo vệ trái đất”, tạo cho người dân và du khách ý tức tự giác trong việc dìn giữ và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ cho ngành du lịch Thanh Hóa, ngày 13/6/2024 Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành 1 trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch Việt Nam.
Trong đó, quy hoạch đã xác định phát triển không gian du lịch Việt Nam đến năm 2045 gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu vực du lịch quốc gia.
Theo đó, đến năm 2030, sẽ tập trung hình thành 6 khu vực động lực bao gồm: Khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình. Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh. Khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.
Khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Nịnh Thuận - Bình Thuận. Khu vực động lực phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực động lực phát triển du lịch Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau.
Trong đó, Khu vực động lực phát triển du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ tạo sự hỗ trợ theo hướng kết hợp đa dạng sản phẩm du lịch gắn với sinh thái, di sản thế giới, văn hóa lịch sử, tín ngưỡng với du lịch biển, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc thiểu số vùng núi.
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ tài nguyên du lịch biển đảo, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, hệ thống di sản thế giới, các di tích văn hóa lịch sử; đó là Vùng Bắc Trung Bộ. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng. Du lịch "con đường di sản miền Trung"; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử và cách mạng; du lịch sinh thái hang động; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc.
Theo quy hoạch và định hướng đó, năm 2023, toàn tỉnh đã đón 12,485 triệu lượt khách, vượt 4% kế hoạch năm; tổng thu du lịch đạt 24,505 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, ngành du lịch Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã ước đón gần 14,5 triệu lượt khách, đạt 104,7% kế hoạch; tổng doanh thu ước đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ, đạt 98,6% kế hoạch cả năm. Cho thấy, thương hiệu điểm đến tốt không chỉ tạo dựng được niềm tin đối với nhà đầu tư và du khách, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy du lịch tăng trưởng nhanh, bền vững.
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, Thanh Hóa đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn nữa, trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Tuy nhiên, phát triển du lịch trong tình hình mới, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng và tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác giá trị văn hóa trong phát triển du lịch nhằm định vị thương hiệu điểm đến một cách bền vững.
Đồng thời, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn. Đối với công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, việc đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông, nền tảng số và một số kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC... đang từng bước được triển khai tích cực. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa và làm mới các sản phẩm du lịch hiện có, khai thác sản phẩm mới sẽ là hướng đi quan trọng nhằm góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời là giải pháp then chốt để định vị thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” trên bản đồ du lịch quốc gia.
Biệt thự nghỉ dưỡng của tập đoàn Sun Grup tại Bến En. |
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đến nay là 82 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 153 nghìn tỷ đồng. Trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao đã và đang được triển khai như: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội (TP. Sầm Sơn); Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (Như Thanh); Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (Quảng Xương); Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (Quảng Xương); Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường và Dự án Flamingo Linh Trường Khu B (Hoằng Hóa).