Công ty CP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng (HOSE: HHP) vừa công bố dự kiến năm 2021 sẽ đem về 625 tỷ đồng doanh thu (tăng 74%) và 26 tỷ đồng lãi sau thuế (gấp 3 lần thực hiện năm 2020).
Với việc đặt ra kế hoạch lợi nhuận kể trên, cùng nhìn lại thực tế kinh doanh của doanh nghiệp này trong thời gian gần đây.
Được biết, HHP được thành lập vào cuối năm 2012, với số vốn 18 tỷ đồng để mua lại Nhà máy sản xuất Giấy Đức Dương. Đây là nhà máy sản xuất giấy kraft (giấy bao bì), được đưa vào sử dụng từ năm 2009, với công suất 15.000 tấn/năm, nhưng sau đó gặp khó khăn phải ngừng sản xuất, mất khả năng trả nợ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Năm 2017, HHP góp vốn vào Công ty CP Giấy Hoàng Hà Hà Nam để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy bao bì công suất 6.000 tấn/năm tại Hà Nam và trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ sở hữu của HHP tại Hoàng Hà Hà Nam đã tăng lên 80%.
Việc mua lại các nhà máy có sẵn một mặt giúp HHP có thể bắt tay ngay vào sản xuất, không tốn thời gian đầu tư xây dựng (thường mất đến vài ba năm). Đáng nói, các nhà máy đã đầu tư từ giai đoạn 2010 trở về trước và sau hơn 10 năm hoạt động, máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, HHP đối mặt với nhu cầu phải thay thế, sửa chữa thiết bị khá lớn bên cạnh nhu cầu đầu tư mở rộng công suất.
Báo cáo tài chính của HHP cho biết, trong năm 2020, dòng tiền đầu tư mua sắm tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác của công ty là 59,6 tỷ đồng, trong đó mua sắm máy móc thiết bị chiếm tới 54,96 tỷ đồng. Giá trị mua sắm mới trong năm tương đương 70% giá trị máy móc, thiết bị còn lại đến cuối năm 2020.
Trong giai đoạn 2017 - 2019, dòng tiền của HHP hầu như không có thặng dư khi phải liên tục tăng vốn lưu động theo giá trị các khoản phải thu và thặng dư. Để giải tỏa áp lực vốn, doanh nghiệp này liên tục tiến hành các đợt chào bán huy động vốn vào các năm 2017 (62,7 tỷ đồng) và 2019 (65 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ vay và thuê tài chính của HHP là 190,3 tỷ đồng, chiếm 38,1% nguồn vốn và tăng 42,9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 82,7%. Trong khi đó, nguồn tiền dự trữ khá mỏng khi giá trị khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng vẻn vẹn 1 tỷ đồng.
Dư nợ vay lớn khiến chi phí lãi vay của HHP trong năm 2020 tăng 24,1% so với 2019 dù mặt bằng lãi suất đã giảm. Chi phí lãi vay đã chiếm khoảng 1/3 lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh mang lại. Dòng tiền chi trả lãi vay tương đương hơn 55% dòng tiền hoạt động kinh doanh. Điều này cho thấy gánh nặng chi phí lãi vay khá lớn mà HHP đang phải chịu, tương ứng với rủi ro lớn nếu tình hình kinh doanh khó khăn hơn.
Như vậy, việc sản xuất, kinh doanh giấy và bao bì của HHP đang không mấy khả quan. Tuy nhiên HHP hiện đang sở hữu 30% vốn (30 tỷ đồng) tại Công CP Tập đoàn Đầu tư Hoàng Hà. Công ty này đang là Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại Hải Phòng có quy mô diện tích 2.72 ha, là một trong những dự án trọng điểm của Hải Phòng năm 2020-2021. Dự kiến, dự án sẽ được mở bán và phát sinh doanh thu từ quý IV/2021.
Dự kiến lãi của HHP xuất phát từ việc năm 2021, HHP sẽ có khoản lợi nhuận được chia từ Công ty liên kết đối với mảng bất động sản.
Hà Linh