Giáo hội Phật giáo tổ chức chương trình nghệ thuật “Vu lan- Đạo hiếu - Dân tộc”

16:40 10/06/2023

Ban thông tin truyền thông TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giới thiệu kế hoạch Chương trình nghệ thuật “Vu lan - Đạo hiếu - Dân tộc” nhằm tôn vinh đạo hiếu và truyền thống văn hóa dân tộc, hướng tới kỷ niệm mùa Vu lan năm 2023 - Phật lịch 2567.

Đạo hiếu là bài học đầu tiên của đạo làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội, đối với người con Phật, đức Phật đã dạy các hàng đệ tử phải luôn ghi nhớ và báo đáp bốn ơn là: Ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn Tổ quốc và ơn chúng sinh. Đó là bốn ơn đức cao quý mà ai ai cũng đều phải trải qua để nuôi dưỡng nhân tâm của lòng hiếu đạo.

Hòa thượng – Tiến sĩ Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Hòa thượng – Tiến sĩ Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức, chương trình / Nguồn ảnh NLĐO

Theo Hòa thượng – Tiến sĩ Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức, chương trình  “Vu lan - Đạo hiếu - Dân tộc” như một hồi chuông vang vọng, thức tỉnh chúng ta trở về thực tại để lắng nghe, để thấu hiểu, để cảm nhận về ngọn nguồn yêu thương các đấng sinh thành, rộng hơn là của cội nguồn dân tộc, giang sơn đất nước.

Nhắc nhớ lại những lời ru ngọt ngào của mẹ từ thuở còn nằm nôi sẽ là lời thiên thu dọc theo bước thời gian của con trên vạn nẻo đường đời.

Tấm lòng yêu thương vô bờ bến của mẹ cha chỉ có những ai đã làm mẹ làm cha thì mới thấu hiểu được một cách trọn vẹn nỗi đắng cay cơ cực và nỗi thống khổ trong đoạn đường trường.

Chương trình gửi gắm thông điệp: “Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này đã là một ân đức rất lớn của cuộc đời, hãy sống với lòng biết ơn và sống trọn đạo hiếu làm con để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn”. Thật hạnh phúc và an lòng biết bao khi được phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, được đền đáp công ơn cha mẹ đã nuôi dưỡng. Không chỉ là cách biết ơn những bậc sinh thành mà còn giáo dục tình yêu thương đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương đồng bào, yêu nước trọng cội nguồn là nền tảng nuôi dưỡng ta trở thành những con người có giá trị, có phẩm cách, đạo đức và trí tuệ, hãy sống trọn vẹn với đạo hiếu hạnh, đạo làm người.

Thông qua Chương trình cũng là dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”. Để rồi từ đó tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành. Đây cũng là ngày để gia đình sum họp, con cháu hỏi han, chia sẻ với ông bà, cha mẹ về niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cầu cho cha mẹ được hưởng phúc lành, đồng thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn với hoạt động từ thiện, tri ân hướng đến đồng bào.

Theo kế hoạch dự kiến, chương trình giao lưu nghệ thuật “Vu Lan - Đạo hiếu - Dân tộc” năm 2023 được tổ chức tại Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Quốc gia vào lúc 20h00 ngày 22/08/2023.

Một nữ sinh được sư thầy chùa Văn Trì (Hà Nội) cài hoa hồng đỏ lên áo trong dịp lễ Vu Lan. Ảnh: Giang Huy.
Một nữ sinh được sư thầy chùa Văn Trì (Hà Nội) cài hoa hồng đỏ lên áo trong dịp lễ Vu Lan 2022. Ảnh: Giang Huy.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức mong sẽ được sự hưởng ứng, góp sức của cộng đồng để có nguồn lực dành kinh phí tặng quà, sổ tiết kiệm cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn không nơi nương tựa và các mảnh đời đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Chương trình vận động các doanh nhân, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm cùng chung tay chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ những người có công với cách mạng, những thương bệnh binh, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, người cao tuổi neo đơn không có nơi nương tựa để hiện thực hóa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc.

Châu Khê