Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VietcomBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
"Ma trận" sở hữu chéo, khó tái cơ cấu
Đến nay, không ít ông chủ ngân hàng đã từ bỏ chức danh, thoái vốn tại các DN, ngân hàng liên quan. Tiêu biểu như ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT Sacombank) đã từ bỏ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 DN; ông Đỗ Quang Hiển cũng chọn giữ “ghế” Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và rời “ghế” Chủ tịch T&T Group; ông Đỗ Minh Phú (Tiên Phong Bank) cũng chấp nhận từ nhiệm kinh doanh vàng để giữ chức tại ngân hàng… Ngoài việc từ nhiệm của các ông chủ ngân hàng và DN, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) còn đón nhận các động thái thoái vốn, bán cổ phần tại những “cặp” sở hữu chéo vượt quy định.
Tuy vậy, vẫn còn 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ TCTD khác; 4 TCTD có sở hữu trên 5% cổ phần của TCTD khác. Chẳng hạn, Vietcombank (VCB) sở hữu một lượng lớn cổ phần tại NH Phương Đông (OCB), 8,19% vốn tại Eximbank và 6,97% vốn tại NH Quân đội (MB).
Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định TCTD khác phối hợp với cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó (nhóm cổ đông lớn có liên quan) sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục, đảm bảo chậm nhất ngày 30/6/2019 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD. Sau thời hạn nêu trên, nếu vẫn không tuân thủ quy định sẽ bị xử lý.
Đánh giá về thực trạng sở hữu chéo tại ngân hàng, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam cần phải mạnh tay siết chặt hơn nữa. Trên thực tế, sở hữu chéo là vấn đề phức tạp, nhưng không quá khó kiểm soát với trường hợp nhờ người đứng tên hộ, những trường hợp có quan hệ tài trợ vốn giữa nhà băng và các DN mà lãnh đạo nhà băng chi phối… "Sự cả nể có thể là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về nợ xấu, hiệu quả hoạt động của ngân hàng và làm chậm quá trình tái cơ cấu…" - ông Nghĩa nhận định.
Thời điểm thuận lợi
Nguyên nhân của tình trạng xử lý sở hữu chéo còn chưa dứt điểm theo quan điểm của nhà soạn thảo pháp luật là do thoái vốn của cổ đông chậm bởi chưa tìm được đối tác để mua lại phần vốn đó; việc thoái vốn ngoài ngành với quy mô lớn có thể gây thiệt hại cho tổ chức, cơ quan Nhà nước; nhiều nhà đầu tư còn khó khăn về vốn nên làm chậm quá trình thoái vốn...
3 năm trước, đây có thể là nguyên nhân nhưng ở thời điểm hiện tại giới chuyên gia cho rằng, lý do này không còn phù hợp. Đơn cử như vào đầu năm nay, VCB đã bán cổ phiếu OCB với giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần, tức là cao hơn 30% so với mệnh giá. Những cổ phiếu như MB, Eximbank… của các ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán không hề khó chuyển nhượng, thậm chí đang được chào mua rất sôi động.
Báo cáo phân tích của nhiều CTCK đều nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được quan tâm và khuyến nghị nhà đầu tư lướt sóng hoặc đầu tư dài hạn có thể xem xét giải ngân. Bởi vậy, có lẽ việc giãn thời gian xử lý sở hữu chéo ngân hàng với lý do khó bán cổ phiếu ngân hàng xem ra chưa thực sự thuyết phục.
Trong tuần qua, các nhóm cổ phiếu trong đó có ngân hàng tăng vượt trội so với VN-Index như VPB +12.6%, STB +9,8%, BID 6,1%, ACB 6,4%, VCB 4,7%.
Việc giảm sở hữu chéo các TCTD cần những chỉ đạo và hoạt động “mạnh tay”, thực chất hơn nữa để các TCTD tuân thủ, giúp hệ thống ngày càng lành mạnh. Cùng với kết quả kiểm toán, một loạt các đại án ngân hàng được đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy, nhiều TCTD chưa tuân thủ các quy định về hoạt động cấp tín dụng và tỷ lệ sở hữu. Điều này khiến nợ xấu chưa được xử lý triệt để, tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo diễn biến phức tạp.
Nguyên Anh