Bộ Tài chính vừa đề xuất về việc áp dụng một số chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệpđối với doanh nghiệp SME. Đây là cơ hội để doanh nghiệp ngày càng phát triển và đóng góp hơn cho nền kinh tế. Chất lượng Việt Nam Online (Vietq.vn) đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Giảm thuế giúp SME tích tụ vốn đầu tư, mở rộng sản xuất
Mới đây, đề xuất của Bộ Tài chính giảm thuế thu nhập doanh nghiệp SME từ 20% xuống còn 15 - 17% được Chính phủ đồng ý. Theo ông, đề xuất đi vào thực thi sẽ tác động như thế nào đối với SME?
Nếu đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm thuế thu nhập cho SME từ 20% xuống còn 15-17% thì sẽ tác động lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Thứ nhất, cái lợi trước mắt mà SME nhìn thấy đó là lãi suất được giảm thấp, còn 15% (tương đương giảm 1/4 so với mức thuế ban đầu). Khi thuế giảm, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tích tụ vốn đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ thiết bị, máy móc, công nghệ sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, doanh nghiệp SME có cơ hội tìm kiếm lực lượng lao động với kỹ năng cao, trí sáng tạo và tinh thần kỷ luật tốt. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể cải thiện quá trình quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng lao động.
Thứ ba, trên cơ sở các doanh nghiệp SME đẩy mạnh hoạt động đầu tư, tìm kiếm nhân tài cho sản xuất kinh doanh sẽ làm cho các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm. Từ đó, kích thích đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho nền sản xuất tốt hơn.
Chính sự tin tưởng của nhà đầu tư góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; giúp cho người lao động yên tâm nâng cao năng lực bản thân. Qua đó, giúp nâng cao năng lực nền sản xuất, năng lực quản trị, ý thức của người lao động; đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế công nghiệp cao.
Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm các khoản phí cho hoạt động đăng ký từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ông bình luận sao về vấn đề này?
Cùng với đề xuất giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp SME, phía Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm các phí cho hoạt động đăng kí từ các hộ gia đình thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Động thái này tạo điều kiện cho những hộ gia đình yên tâm hơn khi đăng ký sang doanh nghiệp.
Trước đây, theo quy định thì hộ gia đình kinh doanh chỉ chịu thuế khoán. Khi thành doanh nghiệp thì bản thân hộ kinh doanh sẽ sợ nhiều thứ, trong đó có thuế. Nếu tính mức thuế 20% sẽ làm khó cho doanh nghiệp. Do đó, việc giảm thuế cũng thúc đẩy kinh doanh hộ gia đình lớn lên, thành doanh nghiệp. Việc giảm thuế cho doanh nghiệp sẽ là đòn bảy để hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính hiện đại hóa, phù hợp với nền sản xuất, nâng cao khả năng, năng lực của mình; góp phần hoàn thiện chỉ tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020.
Chúng ta đang có lực lượng kinh doanh mang tính cá thể, hộ gia đình lớn. Nhưng để họ đi vào nền sản xuất thị trường, kinh doanh bài bản… thì phải hình thành doanh nghiệp. Giảm thuế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho bản thân doanh nghiệp trong và ngoài nước bên cạnh những yếu tố như: khoa học công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, trình độ kỹ thuật của nền sản xuất…
Như vậy, có thể khẳng định, giảm thuế có tác động cơ bản là lâu dài tới sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Giảm thuế là ‘bàn đạp’ thúc đẩy cải cách hành chính, chi tiêu công
Việc giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp SME sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với nguồn thu ngân sách Nhà nước, thưa ông?
Khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và một số thuế khác, nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng bị ảnh hưởng.
Chúng ta đã biết, hiện 98% doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam là SME. Do đó, giảm thuế sẽ làm nguồn thu ngân sách Nhà nước giảm đi. Như đã đề cập bên trên, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15-17% (tương đương giảm 1/4), nghĩa là nguồn thu ngân sách giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, nguồn thu từ ngân sách Nhà nước từ rất nhiều loại thuế, phí khác. Ví dụ, chúng ta nói đến việc tăng thuế phí môi trường. Tỷ lệ thuế môi trường trong các sản phẩm hàng hóa, thu nhập của người dân tương đối thấp so với mặt bằng chung của thế giới.
Khi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thì sẽ mở rộng đầu tư, sản xuất; lượng lao động có thu nhập cao tăng lên. Khi đó, việc đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, bằng việc giảm thuế thu nhập sẽ giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng số lượng doanh nghiệp. Từ đó, bù đắp phần nào khoản thu bị hụt do giảm thuế.
Trong giai đoạn đầu khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước sẽ có khó khăn nhất định. Tuy nhiên, chúng ta đang trong quá trình sắp xếp lại, trong đó đẩy mạnh cải cách khu vực kinh tế công, giảm thiểu doanh nghiệp kém hiểu quả, lực lượng ăn lương nhà nước… từ đó giảm chi của ngân sách Nhà nước. Rõ ràng, chúng ta đỡ đi phần nào thiếu hụt do nguồn thu giảm đi.
Tất nhiên thu ngân sách Nhà nước sẽ có thiếu hụt, nhưng nó sẽ là bàn đạp, cơ sở để đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu công. Thời gian qua, chi tiêu công quá lớn và trở thành gánh nặng của nền kinh tế, kể cả chi tiêu thường xuyên của bộ máy quản lý và doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả. Như vậy, giảm thuế cũng là động lực để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chi tiêu công. Đồng thời, đẩy mạnh nguồn thu trong tương lai.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Thúy Ngân