Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Giúp doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hồi phục

00:00 12/10/2020

Quy định giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn là cần thiết. Qua đó, kịp thời hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19 và áp dụng ngay trong năm 2020.

Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 cho DN có doanh thu dưới 200 tỷ được cho là giải pháp kịp thời giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên để Nghị quyết đi vào thực tiễn và đúng đối tượng cần có sự sàng lọc tốt, tạo tính công bằng.

Theo đánh giá của cộng đồng DN, việc giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ thời điểm này là rất cần thiết, được mong chờ và hoan nghênh. Theo đó sẽ giúp DN tiết kiệm được một khoản chi phí để sử dụng cho mục đích tái đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trên thực tế cho thấy, lực lượng DNNVV chiếm đến hơn 97% và đây được cho là đối tượng “mong manh và dễ vỡ”. Các DNNVV thường phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, thiếu và yếu tính chủ động nên trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, chuỗi cung ứng và tiêu thụ của DNNVV càng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy mà phần lớn các DNNVV thời gian qua sụt giảm doanh thu hoặc không có doanh thu nên việc nộp thuế cũng là một vấn đề rất lớn. Bởi vậy, việc giảm thuế trực tiếp sẽ làm tăng khả năng tích tụ nguồn vốn trong DN nhằm sử dụng cho mục đích tái đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời cũng là cơ hội để DN tăng cơ hội gia tăng lợi nhuận, kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào DN để sản xuất, kinh doanh, tận dụng tối đa nguồn tiền trong dân, giúp tăng số DN thành lập mới, giảm số DN bị đào thải khỏi thị trường.

giam thue thu nhap doanh nghiep giup doanh nghiep nho va sieu nho hoi phuc

Nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ vượt qua được khó khăn nhờ chính sách thuế

Ông Vũ Đức Trường, Giám đốc CTCP Thương mại và Kỹ thuật Hoàng Trường (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trong thời gian dịch Covid-19, DN bị ảnh hưởng rất lớn do các đơn hàng bị hủy, giảm. Trong khi hàng hóa không tiêu thụ được thì các chi phí thường xuyên vẫn phải chi như thuê mặt bằng, trả lương nhân viên, trả lãi ngân hàng... khiến DN càng gặp nhiều khó khăn. Do đó DN cũng rất mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng DN nói chung vượt qua được giai đoạn khó khăn này để có nhiều cơ hội khôi phục sản xuất kinh doanh. Việc giảm thuế TNDN mà Quốc hội mới thông qua là rất ý nghĩa, giúp DNNVV đỡ được một khoản chi phí để tập trung vào việc khôi phục hoạt động.

Tổng cục Thống kê cho biết, 5 tháng đầu năm, cả nước có 48,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, có 48.621 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 8,6% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: 26.008 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 36,4%), 16.548 DN chờ giải thể (giảm 14,5%), 6.065 DN hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 4,8%). Trung bình mỗi tháng có 9.724 DN rút lui khỏi thị trường.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV cũng nhấn mạnh, lực lượng DN nhỏ và siêu nhỏ đang chiếm số lượng lớn với tiềm lực mỏng. Chính vì vậy để hỗ trợ và tạo đòn bẩy giúp lực lượng này thì chính sách giảm, miễn thuế TNDN là cần thiết giúp DN có thời gian và cơ hội tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ông Tô Hoài Nam cho biết, trước đó Hiệp hội đã đề xuất miễn 100% thuế TNDN phải nộp trong năm 2020 với DN có doanh thu không quá 2 tỷ đồng; Giảm 70% đối với DN có tổng doanh thu từ 2-3 tỷ đồng, có số lao động tham gia BHXH không quá 10 người; Giảm 50% với trường hợp DN có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 100 người… Việc Quốc hội quyết định giảm 30% thuế TNDN năm 2020 chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy các DN nhanh chóng phục hồi và đi vào sản xuất.  

Theo Nghị quyết của Quốc hội, sẽ giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp DN có tổng doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng. Chính sách này được áp dụng đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN (sau đây gọi là DN), bao gồm: DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập.

Có thể thấy, việc bước đầu kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đã cởi bỏ những nút thắt về tâm lý cho các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, niềm tin vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đã tăng lên, nhờ đó mà các doanh nghiệp đã có thể lên những kế hoạch mới nhằm nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch.  Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn trong tổng số DN tại Việt Nam và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Quy định giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn là cần thiết. Qua đó, kịp thời hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19 và áp dụng ngay trong năm 2020.

Nguyễn Minh