Giảm thuế giá trị gia tăng - Lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng

11:00 04/03/2022

Theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị định 15) chính thức được áp dụng. Trong đó, điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.

 


Thuế GTGT là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Do đó, việc giảm thuế này không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ông Đỗ Trọng Bồng - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Thọ phân tích: Thuế GTGT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, do đó khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền. Bên cạnh đó, những tác động tích cực của việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% còn giúp doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế GTGT khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) trong tổng doanh số mua vào của doanh nghiệp. Số tiền này sẽ được đưa vào tái đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Do đó, sau khi Nghị định 15 được ban hành, ngành thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn biết để thụ hưởng, thực hiện. Đồng thời tích cực hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi triển khai thực hiện như việc xác định mã hàng hóa thuộc diện giảm thuế VAT; điều chỉnh giá đã in sẵn trên tem, vé, thẻ tại các khu du lịch, trạm kiểm soát… 

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Coopmart Việt Trì
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Coopmart Việt Trì. 

Siêu thị Coopmart Việt Trì (thành phố Việt Trì) đang kinh doanh hàng nghìn sản phẩm tiêu dùng và hàng hóa thiết yếu. Do đó lượng hàng hóa được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT chiếm tỷ lệ lớn. Ngay sau khi Nghị định 15 có hiệu lực, siêu thị đã chủ động phân loại danh mục hàng hóa được giảm thuế và cập nhật trên phần mềm bán hàng để đảm bảo thực hiện đúng quy định và phục vụ khách hàng kịp thời.

Ông Ngô Duy Hiến - Phó Giám đốc Siêu thị CoopMart Việt Trì (Phú Thọ) khẳng định: Thuế GTGT là loại thuế đánh trên hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Hiện nay, hầu hết các hàng hóa, dịch vụ tại siêu thị đều chịu thuế suất thuế GTGT là 10%, nên giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% thì chính sách này sẽ có độ bao phủ, tác động rất rộng. Do đó chính sách này sẽ có ý nghĩa kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, chi tiêu nhiều hơn.

Cùng chung y kiến, bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ cửa hàng tiện ích Thắng Tường (thành phố Việt Trì) chia sẻ: Việc giảm 2% thuế GTGT sẽ giúp cho các cơ sở kinh doanh, người dân đều được hưởng lợi. Chúng tôi có động lực phục hồi kinh doanh khi người dân chi tiêu mua sắm nhiều hơn.

Đối với người tiêu dùng, vốn là đối tượng phải “gánh” thuế VAT trực tiếp và cũng đang bị tác động về việc làm, thu nhập do dịch bệnh, việc khoản chi phí tiêu dùng được giảm 2% thể hiện sự hỗ trợ, chia sẻ thiết thực của nhà nước. Anh Lương Tuấn Long ở khu 2, phường Dữu Lâu (thành phố Việt Trì) chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên mua hàng thiết yếu như thực phẩm khô, nước giải khát, sữa, bánh, kẹo, hàng gia dụng, thời trang... ở siêu thị. Đợt này tôi thấy trong hóa đơn đa số là những sản phẩm có VAT 8%, thay vì 10% như trước. Như vậy, với mỗi hóa đơn 1 triệu đồng, tôi sẽ tiết kiệm được 20.000 nghìn đồng. Đây là sự chia sẻ rất ý nghĩa trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay.

Cùng với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhiều hệ thống khách sạn, nhà hàng tại Phú Thọ đã bắt đầu áp dụng biểu thuế GTGT mới từ đầu tháng 2/2022. Việc giảm thuế giúp cho hệ thống khách sạn, nhà hàng thu hút khách hàng, kích cầu người dân sử dụng dịch vụ trong bối cảnh bình thường mới.

Theo tính toán, việc giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này của Chính phủ sẽ kích thích tiêu dùng và gia tăng sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất và mở rộng kinh doanh. Điều này cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp, khôi phục nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

PV