Cục Hàng không Việt Nam ngày 2/8 cho biết, theo số liệu khảo sát ngày 31/7 về giá vé máy bay (chưa bao gồm thuế, phí) hạng phổ thông cơ bản trên các chặng bay nội địa có lưu lượng lớn (như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Cam Ranh/Nha Trang và Hà Nội - Phú Quốc) trong giai đoạn nửa đầu tháng 8/2024, các mức giá vé bình quân được các hãng hàng không Việt Nam cung ứng dao động trong khoảng từ 35 - 65% mức tối đa theo quy định.
Cụ thể, trên "đường bay vàng" Hà Nội - TP.HCM ghi nhận mức giá vé cao nhất được hãng hàng không Vietnam Airlines cung ứng khoảng 2,2 triệu đồng/chiều, tương đương 65% mức tối đa là 3,4 triệu đồng (với giờ bay sau 17 giờ thứ Sáu ngày 2/8 - ngay trước ngày nghỉ cuối tuần). Trong các ngày và những thời gian khởi hành khác, giá vé thấp hơn khá nhiều, thấp nhất là Vietravel Airlines cung ứng loạt vé ở mức gần 750 nghìn đồng/chiều, tương đương 26% mức tối đa (các ngày từ 5/8 đến 15/8 với khung giờ trước 9 giờ và sau 17 giờ).
Trên đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, mức giá cao nhất vào ngày 2/8 của Vietnam Airlines và Vietjet Air khoảng 1,6 triệu đồng mỗi chiều, tương đương 56% mức tối đa 2,89 triệu đồng.
Với ngày khởi hành xa, giá vé các hãng đều giảm đáng kể, có hôm chỉ bằng khoảng 25% mức tối đa, như Vietravel Airline có loạt vé giá chỉ từ 300.000 đồng mỗi chiều.
Trên đường bay Hà Nội - Cam Ranh (Nha Trang), giá vé cao nhất trong ngày cuối tuần 3/8 là gần 2,5 triệu đồng/chiều, khung 9h-17h (bằng 72% mức tối đa 3,4 triệu đồng). Với đường bay này, Vietjet Air bán vé bình quân thấp nhất trong nhiều ngày, chỉ từ 25% mức tối đa.
Đường bay Hà Nội - Đà Lạt có giá vé ổn định trong tháng 8. Ngày 2/8, Vietnam Airline bán vé 2,9 triệu đồng cho khung giờ ban ngày, tương đương 80% mức tối đa; các ngày khác dao động 30-40% mức tối đa. Vietjet Air có giá vé từ 800.000 đến 1,1 triệu đồng, tức 24%-30%; Bamboo Airway có giá dao động 25%-50% mức tối đa.
Với đường bay du lịch nội địa có khoảng cách lớn nhất tại Việt Nam là Hà Nội - Phú Quốc, hiện được 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển theo quy định là 4 triệu đồng/vé.
Giá vé cao nhất của Vietnam Airlines là 3,05 triệu đồng tương đương 76% mức trần (khởi hành sáng 8/8); với các ngày bay khác trong giai đoạn này, Vietnam Airlines và Vietjet đang cung ứng vé ở mức 30 - 50% mức tối đa.
Đặc biệt, với khung giờ sớm hoặc muộn vào các ngày khởi hành xa hơn, Vietnam Airline có mức giá chỉ từ 27% mức tối đa (ngày 13 - 14/8), và Vietjet Air chỉ từ 20% mức tối đa (ngày 6 - 15/8). Giá vé bình quân khung giờ ban ngày được các hãng công bố sẽ cao hơn so với các khung giờ còn lại (sáng sớm hoặc chiều tối).
Một số địa phương như TP.HCM và công ty lữ hành đã có những chương trình hỗ trợ lưu trú cho hành khách khi lựa chọn bay vào khung giờ đêm, điều này không chỉ giúp hành khách có thêm nhiều lựa chọn, hỗ trợ giảm chi phí cho cả chuyến đi, mà còn góp phần giảm áp lực về vận tải cho các hãng trong các khung giờ ban ngày.
Cục Hàng không khuyến cáo đến hành khách nên có kế hoạch di chuyển và đặt mua vé từ sớm qua các kênh bán vé chính thức, để có thể lựa chọn được những mức giá vé phù hợp nhất.
Nửa đầu năm 2024, giá vé trên một số đường bay trong nước tăng cao so với cùng kỳ 2023. Khảo sát của Cục Hàng không hồi tháng 4 cho thấy chặng Hà Nội - TP HCM giá vé bình quân một chiều của Vietnam Airlines là 2,64 triệu đồng (tăng 14%). Các hãng Bamboo Airways là 2 triệu (tăng 11%), Vietjet khoảng 1,74 triệu (tăng 25%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu (tăng 15%).
Theo các chuyên gia, giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn này tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính gồm: (i) giá nhiên liệu tăng cao; (ii) chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; (iii) việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các tàu bay mới và chi phí bảo dưỡng tàu bay dừng khai thác tăng; (iv) giá thuê tàu bay tăng cao; (v) tình hình cung cầu vận tải hàng không.
Đức Anh (t/h)