Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% |
Khô đậu tương đang trải qua những biến động đáng chú ý khi nhiều yếu tố cùng tác động lên cung cầu. Từ tình hình sản xuất tại các quốc gia xuất khẩu lớn cho đến diễn biến thị trường quốc tế, tất cả đều tạo nên những thay đổi đáng kể về giá cả. Trong bối cảnh này, những xu hướng nào sẽ định hình thị trường khô đậu tương trong thời gian tới?
![]() |
Giá khô đậu tương biến động mạnh trước sức ép cung cầu toàn cầu |
Đậu tương là nguyên liệu chính để sản xuất khô đậu tương, vì vậy giá của sản phẩm này chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình nguồn cung đậu tương toàn cầu. Tính đến đầu năm 2025, sản lượng đậu tương tại Brazil, Argentina và Mỹ đều ghi nhận sự suy giảm do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Niño và La Niña.
Theo báo cáo Cung cầu (WASDE) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố vào tháng 2/2025, sản lượng đậu tương toàn cầu giảm 3,5 triệu tấn xuống 420,76 triệu tấn. Argentina, do ảnh hưởng bởi hạn hán và thời tiết khắc nghiệt, dự báo sản lượng giảm 3 triệu tấn xuống 49 triệu tấn. Trong khi đó, Brazil dù đang tiến hành thu hoạch với tiến độ chậm hơn năm ngoái, nhưng dự báo sản lượng vẫn ổn định ở mức 169 triệu tấn
Khô đậu tương là thành phần quan trọng trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi, đặc biệt đối với gia súc, gia cầm và lợn. Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á được đánh giá là động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ khô đậu tương trong thời gian tới.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn nhất thế giới, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi, đặc biệt trong ngành gia cầm và lợn. Sự phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi đã kích thích nhu cầu thức ăn chăn nuôi, trong đó khô đậu tương chiếm tỷ lệ lớn. Thêm vào đó các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia cũng ghi nhận sự gia tăng trong ngành chăn nuôi, nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh và nhu cầu thực phẩm tăng cao.
Bên cạnh các yếu tố cung – cầu, giá khô đậu tương còn chịu tác động đáng kể từ lạm phát và tình hình địa chính trị. Trong năm 2024, Trung Quốc ghi nhận mức nhập khẩu đậu tương cao kỷ lục, đạt 105,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo năm 2025, thị trường sẽ đối mặt với nhiều biến động do lo ngại về các chính sách thuế quan mới của Mỹ. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung và nhu cầu đậu tương toàn cầu, tạo thêm áp lực lên giá cả trong thời gian tới.
Theo phân tích từ Gia Cát Lợi – đơn vị chuyên cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, giá khô đậu tương trong năm 2025 có thể chịu tác động mạnh do nguồn cung từ Nam Mỹ sụt giảm và các chính sách thương mại toàn cầu.
Trước những biến động này, nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm các giải pháp phòng vệ phù hợp. Trong đó, hợp đồng tương lai khô đâu tương đang trở thành một trong những công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định chi phí và giảm thiểu rủi ro trước những biến động khó lường của thị trường. Việc tận dụng hợp đồng tương lai không chỉ giúp bảo vệ lợi nhuận mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động hơn trong chiến lược kinh doanh dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hàng hóa ngày càng biến động phức tạp.