![]() |
Giá dầu thế giới lao dốc do OPEC+ đẩy mạnh gia tăng sản lượng. |
Thứ Hai (5/5), giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tuần tại châu Á, khi OPEC+ quyết định đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng, làm dấy lên lo ngại nguồn cung dư thừa trên thị trường toàn cầu.
Cụ thể, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 2,04 USD (tương đương 3,33%) xuống còn 59,25 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ mất 2,10 USD (3,60%) xuống còn 56,04 USD/thùng. Theo đó, cả hai loại dầu đều chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/4/2025.
Động thái này diễn ra sau khi OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài khối như Nga, đồng ý tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng 6/2025. Đây là tháng thứ hai liên tiếp nhóm này đẩy mạnh nới lỏng các cam kết cắt giảm trước đó.
Tổng cộng, từ tháng 4 đến tháng 6, OPEC+ dự kiến bổ sung gần 1 triệu thùng/ngày trở lại thị trường, tương đương khoảng 44% của mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày đã áp dụng từ năm 2022.
Theo chuyên gia Tim Evans từ công ty phân tích Evans on Energy, quyết định tăng sản lượng lần này củng cố kỳ vọng rằng cán cân cung – cầu toàn cầu đang chuyển sang trạng thái dư cung.
![]() |
Giá dầu thô WTI kỳ hạn của Mỹ mất 2,10 USD (3,60%), giảm xuống còn 56,04 USD/thùng, ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 9/4/2025 (Ảnh: Investing.com). |
Nguồn tin từ OPEC+ cho biết Saudi Arabia - quốc gia dẫn đầu liên minh này, đang thúc đẩy việc tăng sản lượng nhằm gây áp lực lên Iraq và Kazakhstan, vì hai nước này liên tục vượt quá hạn ngạch sản xuất đã cam kết. Động thái này từ Saudi Arabia, vốn từng đóng vai trò “bình ổn giá” trong nhiều năm, cho thấy một sự thay đổi chiến lược rõ rệt, với mục tiêu mở rộng thị phần toàn cầu thay vì tiếp tục hy sinh sản lượng để hỗ trợ giá dầu.
Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia để thảo luận về hợp đồng vũ khí và thỏa thuận hạt nhân cũng làm tăng sự chú ý tới chính sách dầu mỏ của vương quốc này. Ông Trump nhiều lần kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu nhằm hạ giá xăng tại Mỹ, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Ngoài ra, OPEC+ cũng có thể dỡ bỏ hoàn toàn phần cắt giảm tự nguyện trước tháng 11/2025 nếu các thành viên không cải thiện tuân thủ, theo các nguồn tin nội bộ.
Diễn biến này khiến Barclays hạ dự báo giá dầu Brent trong năm 2025 xuống còn 66 USD/thùng (giảm 4 USD), và năm 2026 xuống 60 USD/thùng (giảm 2 USD), do kỳ vọng nguồn cung tăng nhanh hơn dự kiến.
Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị vẫn đang âm ỉ khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả, sau khi phiến quân Houthi, được Iran hậu thuẫn, phóng tên lửa rơi gần sân bay chính của Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Iran cũng cảnh báo Tehran sẽ phản công nếu bị Mỹ hoặc Israel tấn công.
OPEC+ hiện đang cắt giảm gần 5 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% nhu cầu toàn cầu, theo các thỏa thuận được thiết lập từ năm 2022 nhằm hỗ trợ giá dầu. Dù phần lớn các đợt cắt giảm này sẽ kéo dài đến cuối năm 2026, nhưng nhóm đã quyết định đẩy nhanh việc gỡ bỏ 2,2 triệu thùng/ngày trong hạn ngạch tự nguyện từ tháng 5 năm nay.
Đáng chú ý, nguồn tin từ OPEC+ tiết lộ rằng nhóm sẽ tiếp tục tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 7, và có thể áp dụng các mức tăng tương tự cho tháng 8, 9 và 10 nếu các quốc gia vi phạm hạn ngạch không thực hiện cắt giảm bù.
Chuyên gia Giovanni Staunovo từ UBS nhận định việc gia tăng nguồn cung sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá dầu cho đến khi tình hình tuân thủ hạn ngạch được cải thiện.
![]() |
![]() |
![]() |