“Gánh” tăng trưởng 2020, đầu tư công đang chuyển mình

00:00 12/10/2020

Đầu tư công là một trong 5 mũi giáp công được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020 vốn được dự báo vô cùng khó khăn. Có lẽ vì thế, chưa bao giờ mệnh lệnh giải ngân đầu tư công lại được đôn đốc thực hiện triệt để như năm 2020 và được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt trong phát triển kinh tế thời hậu Covid-19.

ganh tang truong 2020 dau tu cong dang chuyen minh

Giao thông là một trong những lĩnh vực tập trung đầu tư công. Trong ảnh: Một đoạn của tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhìn từ trên cao. Ảnh: ST

5 tháng và ¼ quãng đường

Tăng trưởng kinh tế năm 2020 phụ thuộc nhiều vào giải ngân vốn đầu tư công, do đó, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm 2020, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đề cập tới việc phải tập trung triển khai 5 mũi giáp công để thúc tăng trưởng GDP 2020, trong đó, đầu tư công được coi là giải pháp trọng yếu.

Năm kế hoạch 2020 đã trôi qua được 5 tháng, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), giải ngân đầu tư công đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát thành công.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Hiện nay, vốn đầu tư công tập trung lớn cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khi các dự án này được đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ nâng cao năng lực của nền kinh tế, có tác động trực tiếp, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Chính vì vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh thực hiện vốn đầu tư công, đảm bảo hết tháng 12/2020 giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cho năm 2020”.

Trong 5 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đã đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng, bằng 25% kế hoạch năm và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 5 nguồn vốn đầu tư công giải ngân được ước tính lên tới hơn 31 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu cập nhật của Bộ Tài chính cho thấy, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/5 là hơn 122,2 nghìn tỷ đồng. Đáng mừng là có tới hơn 30 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%, thậm chí có đơn vị giải ngân gần hết số vốn được giao như Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Ngân hàng Phát triển (61,09%), Kiểm toán Nhà nước (43,14%), Ninh Bình (66,6%), Hưng Yên (50,07%)...

Thực tế đã có nhiều tín hiệu rất tích cực thể hiện sự quyết liệt để giải ngân hết số vốn đầu tư công năm 2020. Nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... đã thể hiện quyết tâm giải ngân hết số vốn này trong 2020.

Đơn cử, mới đây, lãnh đạo TPHCM cho biết, địa phương này sẽ phân nhóm các dự án gặp vướng mắc (về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân) và lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để tham mưu đề xuất thảo luận giải quyết trong Tổ công tác liên ngành về đầu tư. Thừa nhận giải ngân được 8.480 tỷ đồng vốn đầu tư công nhưng con số này chưa đủ vực dậy kinh tế sau dịch Covid-19, chưa trở thành nhân tố then chốt để vực dậy kinh tế thành phố trong điều kiện bình thường mới sau đại dịch Covid-19, lãnh đạo UBND TP đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải đảm bảo kế hoạch đến ngày 30/6 tỷ lệ giải ngân phải đạt từ 50% trở lên, đến 31/7 giải ngân đạt từ 60%-70% và đến ngày 15/10 giải ngân phải đạt từ 80% trở lên.

Tư lệnh Bộ GTVT mới đây cũng đã chỉ đạo các Thứ trưởng phải bám công trường để kịp thời gỡ khó khăn nhằm giải ngân hết gần 38 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công của Bộ này. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu của Bộ khẩn trương rà soát các hồ sơ, văn bản hiện đang được các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án trình để tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết theo quy định, đáp ứng tiến độ triển khai dự án.

Tại Hà Nội, dự án vành đai 3 Hà Nội, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản cũng đang được Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể đưa vào khai thác trong tháng 9/2020...

Tối ưu hóa đầu tư công

Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới cho biết, việc tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản sẽ tạo ra tác động kép cần thiết đối với nền kinh tế. Theo ước tính tại Việt Nam, khi giải ngân đầu tư công tăng thêm 10%, tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,6%. Ngân hàng thế giới khuyến nghị Việt Nam cần tối ưu hóa đầu tư công, coi đây chính là giải pháp kích thích tài khóa. Trong lộ trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19, nhiệm vụ cốt lõi là tập trung vào các dự án lớn nhằm tăng cường tính kết nối theo các trục giao thông xương sống và phát triển mạng lưới vận tải đa phương thức.

“Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, phát triển hệ thống đường quốc lộ, mở rộng các sân bay ở TPHCM và Hà Nội, xây dựng đường sắt đô thị ở TPHCM và Hà Nội, cải thiện tính kết nối vận tải quanh các cảng lớn như Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện có thể tạo ra tác động cấp số nhân, kích cầu cho các nhà thầu địa phương, thúc đẩy hoạt động sản xuất trở lại của các nhà máy. Cần giải ngân nguồn vốn được phân bổ hàng năm thay vì đầu tư vào các dự án mới”, Ngân hàng thế giới khuyến nghị.

"Các lãnh đạo địa phương và bộ, ngành tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Giải ngân dự án đầu tư công cũng sẽ là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2020 có tỉ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn năm 2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh, kể cả việc điều chuyển vốn cho các bộ, cơ quan, địa phương khác". (Trích Công văn số 622/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020)

Giải ngân hết 100% vốn đầu tư công trong năm 2020 với khoảng 700 nghìn tỷ đồng được xem là mệnh lệnh cho chiến dịch giải ngân vốn đầu tư công năm nay. Rõ ràng, trong chặng đường còn lại sẽ là nhiệm vụ rất gian nan nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ và thực chất từ các bộ, ngành, địa phương.

Liên quan vấn đề này, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí trình ra Quốc hội chuyển 3 đoạn trên cao tốc Bắc Nam phía Đông từ đầu tư PPP sang đầu tư công. Nếu được thông qua, đây được xem là cú hích để thúc tiến độ cao tốc Bắc Nam đồng thời góp phần thúc đẩy đầu tư công và tăng trưởng kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công được xem là mũi giáp công quan trọng nhất cho tăng trưởng GDP 2020. Dù Covid-19 làm kinh tế suy thoái nhưng tốc độ đầu tư công lại tăng cao so với những lĩnh vực khác. “Điều này khiến tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì giải ngân đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng, góp phần phục hồi nền kinh tế, nhưng lo là do đầu tư công vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thất thoát, sai phạm, tham nhũng, nên việc nguồn vốn này được giải ngân nhanh cũng đem lại những e ngại”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, nhanh chóng, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, Nhà nước cần có thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức gây đình trệ, chậm giải ngân. Nhưng, thúc đẩy đầu tư công nhằm tăng trưởng kinh tế không phải bằng mọi giá, vẫn phải tuân thủ đúng Luật Đầu tư công, làm sao giải ngân phải thực sự có hiệu quả, tránh hiện tượng lợi dụng cơ hội này gây thất thoát lãng phí tổn hại tiền ngân sách nhà nước.

Vấn đề này cũng được tiếp tục khẳng định lại tại Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có văn bản gửi tới các địa phương và bộ, ngành nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Với rất nhiều thông điệp mạnh mẽ về giải ngân vốn đầu tư công, kỳ vọng đầu tư công sẽ có những bứt phá mạnh mẽ để thúc đẩy GDP 2020 đạt kết quả cao nhất.

Hoài Anh