Ngày 7/5, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) đã phối hợp cùng Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định về việc nhập khẩu nông sản và thực phẩm nguồn gốc động thực vật vào thị trường EU.
Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành một số yêu cầu riêng biệt đối với sản phẩm tổng hợp (composite) nhập khẩu. Theo bà Coulon Sylvie, một chuyên gia cấp cao của DG-SANTE, quy định mới này sẽ không còn áp dụng tỷ lệ phần trăm động vật trong sản phẩm chế biến. Mục tiêu của quy định mới là nghiêm ngặt hơn để bảo vệ người tiêu dùng.
Để tuân thủ quy định này, bà Coulon Sylvie đã nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp cần hiểu đúng về khái niệm sản phẩm tổng hợp. Sản phẩm tổng hợp được định nghĩa là thực phẩm chứa cả sản phẩm thực vật và sản phẩm chế biến từ nguồn gốc động vật.
Do đó, các sản phẩm như sản phẩm động vật chưa qua chế biến, sản phẩm không có thành phần thực vật, hoặc sản phẩm có thành phần thực vật nhưng không ảnh hưởng đến đặc tính của sản phẩm động vật gốc sẽ không được coi là sản phẩm tổng hợp, bà Coulon Sylvie nhấn mạnh.
Bà Coulon Sylvie cũng nhấn mạnh về điều kiện cần thiết để nhập khẩu sản phẩm tổng hợp, đó là nguyên liệu động vật trong sản phẩm tổng hợp phải đến từ các cơ sở đã được EU chứng nhận và đặt tại các quốc gia được phép xuất khẩu sản phẩm chế biến từ nguồn gốc động vật vào EU.
Bà Coulon Sylvie cho biết, cơ quan ban hành quy định này sẽ có cẩm nang để trả lời các thắc mắc về sản phẩm tổng hợp. Bà Coulon Sylvie cũng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm tổng hợp vào EU thì có thể gửi email trực tiếp cho bà. Qua đó, bà có thể giải đáp những thắc mắc cụ thể cho doanh nghiệp cũng như tiên lượng những khó khăn doanh nghiệp có thể gặp phải, từ đó giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang EU.
Về phía Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã có hiệu được được gần 4 năm, song vẫn có những bất cập, khó khăn mặc dù hai bên đều có những thông tin tích cực để thúc đẩy thương mại nông sản, thực phẩm giữa hai bên. Đặc biệt là những khó khăn về quy định an toàn thực phẩm cũng như các quy định khác như: Môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời bày tỏ mong muốn, EU tiếp tục hỗ trợ Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật thông tin, quy định liên quan đến an toàn thực phẩm tới các doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm vào EU; đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như mạng lưới kiểm dịch động thực vật của Việt Nam.
P.V (t/h)