Bài liên quan |
Tín dụng danh mục phân loại xanh: Bước đi cần thiết nhưng vẫn còn nhiều thách thức |
Từ năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu xây dựng “danh mục dự án xanh” và các tài liệu hướng dẫn thống kê, báo cáo tín dụng xanh. Mục tiêu của công tác này là phân loại các hoạt động kinh tế và dự án xanh, tạo cơ sở cho việc cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh. Đến nay, thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển vượt trội so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Nhiều chủ thể phát hành đã triển khai thí điểm trái phiếu xanh chính quyền địa phương và trái phiếu xanh doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Tuy nhiên, danh mục dự án xanh và các hướng dẫn trước đây vẫn còn nhiều bất cập khi chưa được xây dựng dựa trên cơ sở phân loại cụ thể về các mục tiêu và lợi ích môi trường, thiếu tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đồng thời, việc thiếu cơ sở pháp lý đã khiến danh mục này mới chỉ dừng ở mức tham khảo hoặc phục vụ thống kê, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và triển khai thực tế.
Đưa 7 lĩnh vực vào danh mục phân loại xanh? |
Trước thực trạng trên, việc xây dựng Danh mục phân loại xanh mới, với tiêu chí cụ thể và rõ ràng, là điều cấp thiết. Danh mục này không chỉ sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục dự án mang lại lợi ích môi trường, mà còn phải đảm bảo tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường chi tiết. Đây sẽ là công cụ quan trọng giúp các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu xanh và các bên liên quan quản lý, điều hành hiệu quả hoạt động cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh.
Trên tinh thần đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với các dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Dự thảo gồm 6 điều và 2 phụ lục, trong đó tập trung vào việc tinh giản và hoàn thiện danh mục phân loại xanh. Theo đó, tổng số lĩnh vực thuộc Danh mục phân loại xanh hiện nay là 7 lĩnh vực, sau khi loại bỏ nhóm “lĩnh vực chuyển đổi xanh” và chuyển các dự án thuộc nhóm này về các lĩnh vực chuyên ngành tương ứng. Đồng thời, số lượng dự án cũng được giảm từ 80 xuống còn 50 dự án thông qua việc cấu trúc lại một số nội dung để đảm bảo phù hợp với hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam hiện hành và tránh mở mã ngành mới. Một số dự án mới được bổ sung trên cơ sở đầy đủ căn cứ pháp lý, thông số kỹ thuật và thực tiễn đáp ứng nhu cầu.
Ngoài ra, Dự thảo còn chỉnh sửa cách thức thể hiện thông tin trong các phụ lục theo hướng chi tiết hơn. Tiêu chí môi trường sẽ được tách riêng cho tín dụng xanh và trái phiếu xanh để đảm bảo rõ ràng và dễ áp dụng. Đồng thời, các chỉ tiêu sàng lọc cũng được cập nhật và bổ sung trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành liên quan, kết hợp với việc rà soát, cập nhật các quy định pháp lý, thông số kỹ thuật trong các văn bản pháp luật như Luật, Nghị định, Thông tư và các tiêu chuẩn kỹ thuật mới được ban hành. Việc hoàn thiện Dự thảo Quyết định này không chỉ giúp củng cố hành lang pháp lý cho tín dụng xanh và trái phiếu xanh mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.
Nhiều tổ chức của một số khu vực, quốc gia đã và đang xây dựng, ban hành Danh mục phân loại xanh (PLX), trong đó bao gồm các loại hình dự án hoặc hoạt động đầu tư kèm theo tiêu chí về môi trường để giúp nhà đầu tư trái phiếu, tổ chức tài chính, ngân hàng nhận diện được mức độ đáp ứng yêu cầu, góp phần vận hành thị trường tài chính xanh minh bạch, công bằng và hiệu quả. Thống kê đến nay, có hơn 35 tổ chức quốc tế, khu vực, quốc gia đã ban hành danh mục phân loại xanh. Một số tổ chức đã ban hành danh mục phân loại xanh như: Ủy ban Châu Âu, Tổ chức Sáng kiến Khí hậu (CBI), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB),... Một số khu vực, quốc gia khác đang xây dựng danh mục phân loại xanh, điển hình như: ASEAN (dự thảo 1 ban hành tháng 11/2021), Trung Quốc (cập nhật và ban hành ngày 21/4/2021), Hàn Quốc (tháng 4/2021), Bangladesh, Nam Phi, Nga, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Philipin, Singapore, Thái Lan… Hiện có một số quan điểm và cách tiếp cận khác nhau về Danh mục phân loại như danh mục phân loại bền vững, danh mục PLX, danh mục phân loại khí hậu… Theo Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA), Danh mục PLX là một hệ thống phân loại để xác định các hoạt động kinh tế và đầu tư giúp thúc đẩy một quốc gia đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường theo ưu tiên cụ thể của quốc gia đó, ví dụ như giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một danh mục PLX thường bao gồm các nhóm ngành chính, các tiểu ngành, và các tiêu chí môi trường để xác định một dự án hay hoạt động kinh tế thuộc ngành và tiểu ngành đó là “xanh”, đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu BVMT quốc gia. Các ngành/nhóm ngành có thể bắt nguồn từ các Phân loại ngành hiện có như hệ thống phân ngành kinh tế quốc tế của Liên hợp quốc đối (ISIC) hoặc hệ thống phân ngành của mỗi quốc gia, khu vực. Trong đó, áp dụng phân loại ngành hiện có của quốc gia là xu hướng được sử dụng phổ biến để cấu trúc danh mục PLX, một số danh mục PLX đã ban hành trước đây cũng có xu hướng được nâng cấp theo cấu trúc này. |