Bài liên quan |
VASEP góp ý dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa |
Cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa |
Ngày 6/5, tại phiên họp tiếp theo của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội, Chính phủ đã trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật lần này tập trung vào ba nhóm chính sách chính nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý chất lượng hàng hóa theo hướng hiện đại và hội nhập.
Cụ thể, dự thảo đề xuất đổi mới cách xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa; phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia phù hợp với định hướng phát triển bền vững và yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, dự luật cũng nhấn mạnh việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước thông qua phân công, phân cấp rõ ràng, sát thực tiễn và nâng cao trách nhiệm của các cấp ngành.
![]() |
Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Tăng chế tài chặn thực phẩm giả |
Thẩm tra nội dung dự luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi luật hiện hành, cho rằng đây là bước đi phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đưa ra cảnh báo rõ ràng về tình trạng nhiều hàng hóa kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường hiện nay, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ công tác hậu kiểm còn yếu và các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa có sức răn đe cần thiết. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy dẫn chứng một số vụ việc gây bức xúc dư luận như vụ sữa giả hay vụ kẹo Kera có liên quan đến các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội, cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt tại Điều 66 của Luật hiện hành.
Theo đó, dự luật đề xuất quy định cụ thể hơn về các hình thức xử lý vi phạm, bao gồm phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Trường hợp gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, để tăng tính minh bạch và cảnh báo xã hội, dự luật cũng đề xuất công khai danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và các phương tiện thông tin đại chúng. Đây được xem là giải pháp giúp bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo áp lực xã hội để ngăn chặn hành vi vi phạm trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo đồng bộ, khả thi trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.