Người tiêu dùng sống trong sợ hãi về thuốc giả, thực phẩm giả: Ai chịu trách nhiệm? Thủ tướng: Tại sao hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết? |
Người tiêu dùng mất phương hướng
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng, niềm tin của người tiêu dùng được xem là một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Thế nhưng niềm tin ấy đang bị bào mòn bởi sự gia tăng không kiểm soát của hàng giả, hàng nhái.
Từ thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh đến các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, không lĩnh vực nào có thể "miễn nhiễm" trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Nhiều sản phẩm được làm giả tinh vi đến mức người tiêu dùng rất khó phân biệt, thậm chí cả khi mua tại những địa chỉ được cho là "uy tín".
![]() |
Thuốc giả, thực phẩm giả, mất niềm tin là thật |
Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ, phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm. Đáng nói, số vụ có dấu hiệu hình sự tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Một số đơn vị có số vụ chuyển cơ quan điều tra lớn: Hà Nội (43 vụ), Quảng Ninh (13 vụ), Tiền Giang (12 vụ), TP. Hồ Chí Minh (10 vụ)…
Những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ.
Những ngày gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ thuốc giả, thực phẩm giả với số lượng lớn khiến người tiêu dùng càng hoang mang. Mới đây, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Hà Nội triệt phá ổ nhóm sản xuất hơn 100 tấn thuốc giả và thực phẩm chức năng giả do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt, trú tại khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội là chủ.
Hay Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất và phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả với các sản phẩm như Cefuroxim 500 mg, Cefixim 200 mg và Neo-Codion... Trước đó, cuối tháng 4/2025, Bộ Y tế cũng công bố 21 loại thuốc giả, trong số đó có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion.
Theo giới chuyên gia, sữa giả, thuốc giả hay thực phẩm chức năng giả đều là những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Khi sử dụng các loại sản phẩm giả này, cơ thể không những không nhận được đủ dưỡng chất hay tác dụng mong muốn mà còn có nguy cơ cao nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm độc bởi các nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Cuộc chiến có mang lại niềm tin?
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã đẩy người tiêu dùng vào trạng thái hoài nghi và mất niềm tin, đặc biệt với mặt hàng thuốc và thực phẩm. TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã có chia sẻ: Tất cả những cái không đúng với nội dung quảng cáo hay đăng ký, đấy được coi là giả. Có những cái giả chỉ mất tiền, như quần áo, giày dép nhưng không chết người. Còn hàng giả ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dùng, ở đây là sữa, thuốc, thực phẩm chức năng khi dùng phải hàng giả, không chỉ mất tiền mà còn mất đi sức khỏe, thậm chí chết người. Và ai cũng có thể thành nạn nhân của thuốc giả, trong đó có cả bác sĩ.
Nhằm mục tiêu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, với vai trò của mình, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTTN nhằm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.
Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch là: "Kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong tình hình mới".
Trong kế hoạch đã ký, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước Trần Hữu Linh đề nghị: Chi cục Quản lý thị trường các địa phương quản lý chắc địa bàn, phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Về phía Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tập trung kiểm tra việc kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Theo đó, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Chi cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan trên địa bàn thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội; chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm (giá trị hàng hóa lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, sai phạm có tổ chức, tái phạm…).
Số liệu thông kê trong 2 năm qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 295.000 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; gian lận thương mại, cũng như sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, thu nộp ngân sách nhà nước gần 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên nhiều người vẫn nghi ngại con số này chỉ là tảng băng nổi. |