Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Tăng chế tài chặn thực phẩm giả Cục An toàn thực phẩm thông tin việc kiểm tra nhà nước về thực phẩm |
Mỗi ngày một tin buồn
Xuất hiện nhiều các mặt báo hôm nay là thông tin về 60 tấn giá đỗ “ngậm” chất kích thích ở Bắc Giang đã tiêu thụ ra thị trường. Theo điều tra, trung bình mỗi ngày, cơ sở này sản xuất khoảng 500 kg giá đỗ. Tính từ đầu năm đến nay, cơ sở này đã tiêu thụ ra thị trường khoảng 60 tấn giá đỗ “ngậm” chất kích thích tăng trưởng 6-Benzylaminopurine.
![]() |
Cơ quan chức năng phát hiện cơ sở ở Bắc Giang sử dụng hóa chất kích thích tăng trưởng để ngâm giá đỗ. Ảnh: CABG |
Nhiều nghiên cứu cho thấy, 6-benzylaminopurine vào cơ thể với lượng lớn có thể gây tử vong. Phụ nữ mang thai hít, tiếp xúc qua da lâu dài có thể ảnh hưởng thai nhi như gây nhẹ cân, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (US EPA) báo cáo, 6-Benzylaminopurine có thể gây kích ứng mắt, niêm mạc thực quản và dạ dày.
Tại Việt Nam, 6-Benzylaminopurine không thuộc Danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Vậy mà chỉ riêng một cơ sở ở Bắc Giang bị phát hiện đã “tuồn” ra thị trường khoảng 60 tấn giá "ngậm" chất kích thích tăng trưởng. Câu hỏi dư luận lo ngại đặt ra là, có còn bao nhiêu vụ tấn giá đỗ bẩn mà chưa được phát hiện?.
Ngoài giá đỗ, trước đó, Công an TP. Hà Nội cũng đã triệt phá chuyên án hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả. Đầu tháng 4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội. Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại.
Những ngày vừa qua, cả xã hội đều bức xúc khi liên tiếp những đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng, mì chính, dầu ăn, thức ăn giả… bị cơ quan công an triệt phá.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – 80 tuổi, nhà ở Cầu Diễn, Hà Nội chia sẻ: “Nhiều năm nay tôi phải thường xuyên sử dụng các loại thuốc và thực phẩm chức năng để điều trị bệnh. Tuy nhiên, trước những thông tin liên tiếp về thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, khiến tôi hoang mang, lo lắng”.
Theo báo cáo tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, cho thấy, những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ.
Điều đáng lo ngại, công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng khó phân biệt, còn doanh nghiệp thì mất uy tín, mất thị phần. Không ít thương hiệu nội địa phải rút lui khỏi thị trường vì không thể cạnh tranh nổi với "hàng nhái giá rẻ".
Còn khoảng trống pháp lý và đạo đức
Hàng loạt vụ việc thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng thời gian gần đây đã dấy lên hồi chuông về những lỗ hổng và khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý, cấp phép đối với lĩnh vực này.
Lý giải nguyên nhân tình trạng này, thông tin trên Truyền hình Hà Nội, bà Trần Việt Nga – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã có chia sẻ: "Cơ chế tự công bố hiện nay là các doanh nghiệp có thể tự đưa ra những tiêu chuẩn của cơ sở và việc tự công bố này cũng rất đơn giản, hồ sơ đơn giản và không mất phí, không phải nộp phí cho nhà nước cho nên các doanh nghiệp ồ ạt tự công bố và có thể, chất lượng sản xuất kinh doanh thực tế trên thị trường không đúng như những số lượng mà họ tự công bố. Từ đó, tạo một áp lực rất lớn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm".
Người nghe dễ dàng hiểu được lỗi ở đây chỉ từ cơ chế và doanh nghiệp, còn cơ quan quản lý thì rất áp lực trong thanh tra, hậu kiểm. Thế nhưng, mới đây cơ quan điều tra đã khởi tố 5 cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vì hành vi nhận hối lộ để thông qua các công bố sản phẩm và kiểm nghiệm nhà máy sản xuất, thì còn ai tin vào cơ quan thực thi, mà ở đây trực tiếp là Cục An toàn thực phẩm - lá chắn cuối cùng để sản phẩm an toàn ra thị trường lại là người tiếp tay cho các sản phẩm giả đến người tiêu dùng.
Mới đây, trong công văn của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm Tháng 5 đấu tranh chống sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sữa giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ đạo cũng đề cập đến “nâng cao trách nhiệm, đạo đức”:
Công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phổ biến tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, các quy chế, quy định, quy trình công tác; nâng cao trách nhiệm, đạo đức, ý thức công vụ; tuyệt đối không chịu tác động, ảnh hưởng, không lợi ích nhóm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc thẩm định, cấp giấy phép hoạt động, công bố sản phẩm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn…
Còn ai tin khi sự tồn tại và phát triển của thị trường hàng hóa giả ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hàng giả không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về tài chính cho người tiêu dùng khi “tiền mất tật mang”, mà nghiêm trọng hơn, nó bào mòn sức khỏe cộng đồng; làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người dân vào hệ thống quản lý Nhà nước, vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chân chính và cả ngành y tế nói chung. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng nặng nề do cạnh tranh không lành mạnh và mất uy tín chung của thị trường.
Vậy ai phải chịu trách nhiệm khi ngày ngày người tiêu dùng sống trong sợ hãi vì hàng giả? Và xin đừng mãi khuyến cáo, “mỗi người tiêu dùng là một nhà thông thái”, họ vô can và cũng không đủ khả năng để phân loại các mặt hàng thật - giả lưu hành trên thị trường.