Dự báo về triển vọng kinh tế, tài chính và tiền tệ thế giới trong năm 2021

15:53 30/12/2020

Năm 2020 là một năm ảm đảm đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ở vào thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới này có thể nhận diện được một số cơ sở giúp cho có thể lạc quan hơn về triển vọng kinh tế trong năm tới.

Năm 2020 ảm đạm

Không phải chiến tranh hay xung đột vũ trang ở một số khu vực, cũng chẳng phải xung khắc thương mại giữa một số đối tác hay bảo hộ mậu dịch hoặc chống toàn cầu hoá mà dịch bệnh COVID-19 mới là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới trong năm 2020 bị sa sút rõ rệt.

Tốc độ lây lan chóng mặt của Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa trong nhiều tháng của năm nay, dẫn tới các hoạt động kinh tế giảm mạnh. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), thước đo rộng nhất của hoạt động kinh tế, vì vậy đã giảm xuống mức thấp kỷ lục ở nhiều nền kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm 4,4% trong năm nay và có thể tăng trưởng 5,2% trong năm 2021. Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 10, IMF nói kinh tế thế giới đã bắt đầu hồi phục, nhưng cảnh báo rằng hành trình trở lại ngưỡng sản lượng của trước đại dịch sẽ là một quá trình "dài, không đều, và bấp bênh".

Đối phó dịch bệnh trở thành ưu tiên chính sách hàng đầu của chính quyền ở mọi nơi trên thế giới, buộc tất cả phải sử dụng nguồn tài lực rất to lớn vào mục đích này. Dịch bệnh buộc các nơi phải thực thi những biện pháp chính sách ứng phó ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới những động lực và trụ cột chính lâu nay của tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới như nội nhu, tiêu dùng, xuất khẩu, du lịch... Dịch bệnh tác động tai hại tới việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu. Cách ly xã hội, giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới quốc gia... vốn là những biện pháp chính sách đối phó dịch bệnh rất hiệu quả và cần thiết, nhưng đồng thời lại khích lệ và thúc đẩy những mưu tính và nỗ lực trên thế giới chống phá hội nhập và liên kết quốc tế, ngăn cản toàn cầu hoá và thương mại tự do.

Dịch bệnh phơi bày những điểm yếu và bất cập của hệ thống chính trị xã hội, cũng như khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế ở mọi nơi. Tuy nhiên, dịch bệnh này thúc đẩy sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ số, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và làm thay đổi cách thức sống và làm việc của con người trên trái đất. Hơn nữa, chính quyền các nơi trên thế giới đều nhanh chóng tìm ra ứng phó thích hợp và thực thi những chương trình tài chính và xã hội quy mô lớn để kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, cũng như khôi phục và duy trì tăng trưởng kinh tế và thương mại. Vì vậy, kinh tế và thương mại thế giới trong năm 2020 tuy có ảm đạm, gây bi quan và khiến thất vọng, nhưng ở vào thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới này có thể nhận diện được một số cơ sở giúp cho có thể lạc quan hơn về triển vọng kinh tế và thương mại thế giới trong năm tới.

Triển vọng trong năm 2021

Dự báo về tình hình kinh tế thế giới năm 2021, tờ Tin tức Thế giới của Malaysia cho rằng, kịch bản khả quan nhất là dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được kiểm soát vào năm 2021, nền kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi, trong đó số hóa tiền tệ được dự báo sẽ là diễn biến đáng chú ý nhất.

năm 2021, nền kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi
Năm 2021, nền kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ phục hồi.

Về chính sách tài chính và tiền tệ toàn cầu trong năm 2021, ngân hàng trung ương của nhiều nước dự kiến sẽ tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng định lượng và cho phép lạm phát ở mức cao hơn. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trước cuối năm 2023 trong khi Anh và châu Âu cũng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, do vậy đồng USD sẽ tiếp tục đà giảm giá.

Một khả năng khác rất đáng quan tâm là năm 2021 có thể là một năm mang tính bản lề đối với hoạt động số hóa tiền tệ. Cùng với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thúc đẩy số hóa đồng Nhân dân tệ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số. Ngoài nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), “người khổng lồ” mạng xã hội Facebook đã công bố sẽ ra mắt tiền điện tử Libra vào tháng 1/2021. Đây được dự báo sẽ là một cơn địa chấn mới dẫn đến cuộc cách mạng tiền tệ kỹ thuật số toàn cầu sau khi đồng tiền số Bitcoin đạt mức giá cao kỷ lục 23.000 USD vào tuần trước.

Nhóm FAANG - gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google - sẽ trở thành gã khổng lồ lũng đoạn nền kinh tế toàn cầu. Từ năm 2021, các nền kinh tế lớn như châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, thậm chí là Trung Quốc, sẽ thúc đẩy điều tra chống độc quyền đối với những gã khổng lồ công nghệ. Hiện Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đang mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với hãng thương mại điện tử hàng đầu nước này là Alibaba.

Trong khi đó, châu Âu đang soạn thảo luật kỹ thuật số, còn Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền và chống bành trướng đối với Google, Amazon và Facebook. Ngoài ra, các cuộc đàm phán về thuế kỹ thuật số quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng vào năm 2021 dự kiến sẽ tạo nền tảng tốt đẹp cho hệ thống thuế kỹ thuật số toàn cầu thống nhất.

Bài báo kết luận hoàn toàn có thể kỳ vọng vào thị trường toàn cầu trong năm 2021, đặc biệt là trong trường hợp vắcxin ngừa COVID-19 có thể giúp kinh tế hồi phục hiệu quả. Khi đó, những người yếu thế hôm nay có thể trở thành kẻ mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, cần phải tới sau năm 2022, kinh tế thế giới mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch. Ngoài ra, xem xét từ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong năm 2020, Mỹ và Tây Âu có thể sẽ tụt hậu so với Trung Quốc đại lục, các nước châu Á mới nổi và Đông Âu trong nỗ lực phục hồi xuất khẩu

Bảo Bảo