Bài liên quan |
Đà Nẵng: 10 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025 |
Khánh Hòa tiếp tục đạt tăng trưởng kinh tế ấn tượng với GRDP tăng 10,16% |
Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2025 của SSI Research nhấn mạnh rằng năm nay sẽ mở ra nhiều yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng sau thời gian dài chờ đợi. Những cải cách đã được thực thi từ cuối năm 2024, bao gồm tinh gọn bộ máy Chính phủ, đẩy nhanh đầu tư công vào hạ tầng và giải quyết những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Đây cũng là các yếu tố nền tảng cho mục tiêu chiến lược của Việt Nam đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao.
Theo nhóm phân tích, các cải cách hiện nay đang định hình môi trường đầu tư thuận lợi hơn tại Việt Nam, với trọng tâm là rút ngắn thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng. Đầu tư công, vốn là một chủ đề quen thuộc với nhà đầu tư, đã có những tiến triển đáng kể, khi nhiều dự án lớn được bổ sung vào danh sách ưu tiên, cùng với việc tái triển khai mô hình BT (xây dựng và chuyển giao) từ năm 2025. Điều này không chỉ giúp thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng mà còn gia tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn đầu tư công nhờ việc giảm chi tiêu thường xuyên thông qua tinh gọn bộ máy Chính phủ.
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam sẽ đến từ đầu tư và sản xuất |
Những cải cách này, theo SSI Research, sẽ tối ưu hóa môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc triển khai các giải pháp không yêu cầu tiền ký quỹ (NPS) và tái khởi động hệ thống KRX cũng là các bước đi quan trọng để Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM), qua đó mở rộng khả năng thu hút dòng vốn ngoại.
Bất động sản là một lĩnh vực khác được kỳ vọng khởi sắc khi các chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường nguồn cung đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Chính phủ đang nỗ lực rút ngắn thời gian cấp phép cho các dự án mới và tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, giúp lượng cung bất động sản tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác có thể tăng đáng kể. Theo SSI Research, nguồn cung tại hai đô thị lớn này có thể tăng 44% trong năm 2025.
Trong khi đó, lĩnh vực xuất khẩu có thể đối mặt với những thách thức về thuế quan cao hơn và áp lực tỷ giá tiếp tục duy trì. Đồng thời, động lực tiêu dùng nội địa, vốn đã chịu tác động từ sự trì trệ của thị trường bất động sản, cần thêm thời gian để phục hồi. Do đó, tăng trưởng kinh tế năm 2025 được dự báo chủ yếu đến từ đầu tư và sản xuất, thay vì tiêu dùng trong ngắn hạn.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số, như Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, việc đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng, và sự phục hồi của ngành bất động sản được xem là hai trọng tâm đầu tư. Trong bối cảnh này, nhóm phân tích có cái nhìn lạc quan đối với các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở và công nghệ thông tin trong năm 2025. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi dự kiến cũng tạo động lực cho các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Ngành bán lẻ tiếp tục được ưu tiên khi tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ dần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Dựa trên nghiên cứu từ 84 doanh nghiệp, SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 sẽ đạt 16,4%, cải thiện so với mức 13,2% của năm 2024.
Với những cải cách và triển vọng nêu trên, SSI Research kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới. Định giá thị trường được dự báo sẽ ổn định, và VN-Index có thể đạt mức 1.450 điểm vào cuối năm 2025, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế.