Động Từ Thức - Chứng tích về cõi thần tiên trên nhân thế
- Du lịch cộng đồng
- 22:06 24/03/2021
DNHN - Động Từ Thức là một trong những hang động đẹp nhất nhì xứ Thanh. Nơi đây vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ, được mệnh danh là “Danh sơn đệ nhất động” ở trời Nam.
Động Từ Thức vốn có tên gọi là động Bích Đào nằm trên dãy núi đá vôi giáp ranh giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Do quá trình vận động tạo sơn của trái đất đã hình thành nên vùng đất Nga Sơn nói chung và thắng cảnh động Từ Thức nói riêng. Từng lối đi, từng phiến đá hang động đã tái hiện lại câu chuyện Từ Thức gặp tiên – Nàng Giáng Hương (Chương 9 trong cuốn “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ). Đây là một câu chuyện huyền thoại nhưng rất khớp với thiên nhiên.
Câu chuyện Từ Thức gặp tiên là thiên tình sử lãng mạn mang tính nhân văn sâu sắc. Tương truyền Từ Thức vốn là nhân vật có thực ở Hòa Chân, huyện Tống Sơn cũ (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), làm quan ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vào thời nhà Trần niên hiệu Quang Thái. Từ nhỏ Từ Thức là người thông minh, hiếu học, có lòng nhân nghĩa. Một lần chàng Từ Thức đi chơi hội hoa mẫu đơn gặp cô gái đang bị nhà chùa phạt vạ vì đã vô ý làm gãy cành hoa mẫu đơn. Chàng Từ Thức xin cởi áo gấm chuộc lỗi cho nàng, mọi người khen chàng là người hiền đức. Chàng vốn say mê cảnh đẹp, yêu thơ, không tham vọng chốn quan trường nên từ quan đi du ngoạn sơn thủy. Một hôm đi tới bờ biển, thấy dãy núi kết tựa như đài hoa sen gần cửa Thần Phù, chàng liền chèo thuyền ra núi, bỗng dãy núi nứt ra hiện rõ cửa động. Từ Thức bước vào động, bỗng cửa đóng lại. Ở đây chàng được kết duyên cùng nàng Giáng Hương, cô gái mà Từ Thức giúp đỡ trong ngày hội cảnh Chùa Tiên.
Sống ở cảnh tiên nhưng chàng khôn nguôi nhớ về trần thế, quê hương. Một năm sau, chàng nói với Giáng Hương rằng: “Tôi đi xa nhà đã lâu, lắm lúc nhớ quê cũ, muốn về thăm một chút”. Giáng Hương khuyên rằng: “Thiếp không phải vì tình lưu luyến hẹp hòi mà ngăn trở ý định của chàng, chỉ vì ở trần gian tháng ngày ngắn ngủi, sợ chàng có về đến nhà, cũng không thấy còn như trước nữa”. Sau đó, nàng sai người lấy một cỗ xe để tiễn đưa Từ Thức. Giáng Hương viết một phong thư dán kín đưa cho chồng, dặn đến nhà hãy mở ra xem. Từ Thức tạm biệt Giáng Hương, rồi lên xe, chỉ chớp mắt đã về đến làng cũ. Phong cảnh khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng thì có một cụ trả lời: “Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói hình như cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào hang núi cách đây đã ngót hai trăm năm rồi”. Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng thấy có dòng chữ: “Ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ”. Chàng Từ Thức nhớ thương mối tình chốn tiên cảnh, đau lòng, rồi khoác áo lông, đội nón, một mình đi vào núi Hoành Sơn, không thấy trở về nữa.

Động Từ Thức dài khoảng 200 m, rộng hàng nghìn m2, vòm hang chỗ cao nhất chừng 40 m. Khung cảnh bên trong và xung quanh động vẫn còn giữ được nét hoang sơ và thơ mộng. Động nằm trên sườn một ngọn núi đá nhỏ, xung quanh là cánh đồng lúa xanh ngút ngàn.
Ngay cửa động có khắc hai bài thơ chữ Hán của nhà bác học Lê Quý Đôn và chúa Trịnh Sâm ca ngợi vẻ đẹp thần tiên của động.
Bên trong động Từ Thức được chia làm 3 cung: Cung 1 là cảnh Từ Thức gặp tiên và lấy vợ tiên. Cung 2 là cảnh Từ Thức sống ở cõi tiên và ước mơ về cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân gian. Cung 3 là cảnh Từ Thức trở về hạ giới.

Vào sâu bên trong, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những không gian khác nhau của động. Mỗi không gian đều gắn liền với một mảnh truyền thuyết về chàng Từ Thức gặp tiên tạo nên một thiên tình sử lãng mạn, đầy tính nhân văn. Đó là bàn cờ tiên, thư phòng, buồng tắm cô tiên, dàn nhạc cụ hay dòng sữa mẹ; là “đường lên trời” hay lối “xuống âm phủ”; là mối nhân duyên gặp gỡ hay câu chuyện chia ly, từ biệt.
Nơi hang động kỳ thú này cón có nhiều tảng đá với hình thù như những linh vật như rùa, cóc, voi,… Nhiều nhũ đá lại tựa như những bông hoa mẫu đơn, bông hoa quỳnh. Trong đó, hoa mẫu đơn nhiều hơn vì trong truyền thuyết đây cũng là loài hoa làm nên câu chuyện chàng Từ Thức gặp tiên.
Khắp trong lòng động là những thạch nhũ muôn hình vạn trạng, long lanh sắc màu gợi lên những hình ảnh về cuộc sống chốn thần tiên. Cảnh động huyền ảo vừa phảng phất ý vị của chốn bồng lai tiên cảnh, vừa thấm đẫm cái tình của mối nhân duyên thơ mộng. Có lẽ động Từ Thức là một trong số rất ít những chứng tích còn lại về cõi thần tiên trên nhân thế.
Câu chuyện tình duyên thắm nồng và dang dở giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương là một huyền thoại nhưng được gắn với cảnh động Từ Thức đã tôn thêm tính hiện thực. Tiên cảnh và trần thế, hư và thực đan xen trong câu chuyện huyền thoại, do đó danh thắng động Từ Thức được xem là “Danh sơn đệ nhất động” ở trời Nam.
Động Từ Thức không chỉ nổi tiếng với câu chuyện Từ Thức gặp tiên mà còn được biết đến là chốn cầu tự linh thiêng bậc nhất miền Trung. Đi vào tận cùng lòng động chính là cung cô cậu. Không biết có phép màu nhiệm nào mà nhân dân địa phương và du khách thập phương lần lượt về đây để cầu có quý tử, đều toại nguyện và lan truyền để du khách về ngày một đông hơn, nhất là những cặp vợ chồng hiếm muộn.
Ngoài ra, động Từ Thức cũng là một di tích lịch sử. Đây là nơi tạm trú của quân và dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và những năm Mỹ chống phá miền Bắc.
Năm 1992, Động Từ Thức đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa – danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
Hiện nay đường vào hang động được đầu tư kinh phí xây dựng khang trang, khuôn viên, cảnh quan rộng rãi. Trong động trang trí đèn LED, cầu bắc qua ao bèo,… Du khách đến tham quan đều được hướng dẫn rửa thay sát khuẩn, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Đến thăm động Từ Thức, du khách sẽ được đắm chìm trong một không gian thơ mộng, như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Ở đây thiên nhiên, tâm linh, truyền thuyết và lịch sử như đã hòa làm một. Truyền thuyết Từ Thức gặp tiên và cảnh sắc kỳ thú bên trong động đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho vùng quê Nga Sơn và làm phong phú thêm điểm đến cho du lịch xứ Thanh.
Một số hình ảnh đẹp tại động Từ Thức:



Minh Hiền
Tin liên quan
#nga sơn

Nga Sơn (Thanh Hóa): Thực hư những lá đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Thanh Hóa cũng như cả nước đã triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ở Thanh Hóa, từ khi bắt đầu chi trả tiền từ gói hỗ trợ của Chính phủ thì rộ lên hàng nghìn lá đơn không nhận tiền hỗ trợ. Ở đó, ngoài những lá đơn xuất phát từ tinh thần “tôi ổn, xin nhường lại cho những ai khó khăn hơn” thì vẫn có không ít những là đơn là do địa phương vận động các hộ cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ.
Đọc thêm Du lịch cộng đồng
Khu du lịch sinh thái Hương Tràm – Điểm đến lý tưởng cho du khách khi đến Đất Mũi
Hiện nay, các khu du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Và một trong những điểm đến đó, phải kể đến Khu du lịch sinh thái Hương Tràm, nơi tham quan du lịch sinh thái lý tưởng níu chân du khách tại xứ rừng U Minh Hạ.
Yên Bái: Nhiều hoạt động du lịch sẽ diễn ra tại huyện Mù Cang Chải trong năm 2021
Kế hoạch phát triển du lịch của huyện Mù Cang Chải trong năm 2021 tập trung vào việc xây dựng các đề án, chương trình về phát triển du lịch cùng với đó là tổ chức các hoạt động du lịch nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao và giá trị di sản văn hóa các dân tộc trong huyện…
Du lịch Cà phê – Định hướng trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam
Du lịch – một ngành công nghiệp không khói với sự phát triển mạnh mẽ và là chìa khóa quan trọng trong sự thu hút đầu tư, ngoại tệ, việc làm và giải quyết các vấn đề sinh kế của địa phương.
Phát triển trang trại, hợp tác xã kết hợp du lịch nông nghiệp, nông thôn
Ở Việt Nam, phát triển kinh tế TT, HTX nông nghiệp kết hợp hoạt động du lịch đang là hướng đi mới, có tiềm năng lớn nhờ sự đa dạng sinh thái, phù hợp với định hướng chiến lược cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.
Quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né
Vừa qua, ngày 22/3 Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn 2050. Khu du lịch quốc gia Mũi Né được quy hoạch trên tổng diện tích 14.760 ha ở 3 địa phương ven biển: Phan Thiết, Bắc Bình và Tuy Phong.
OCop Ngọc Chiến (Mường La-Sơn La): Thiên đường nghỉ dưỡng chờ thức giấc
Với những tiềm năng chưa được khai phá hết, đối với những du khách đã một lần đặt chân đến mảnh đất này, họ đều có chung nhận định: Ngọc Chiến như một nàng tiên tuyệt đẹp đang chờ ngày tỉnh giấc.
Những điều cần lưu ý khi du lịch Tết 2021
Sau khi đã lựa chọn được điểm đến thích hợp thì bạn cần lên danh sách những món đồ cần chuẩn bị trong chuyến du xuân đầu năm của mình để đảm bảo mình có chuyến du lịch thật thoải mái.
Du lịch nông nghiệp: Mỏ vàng chưa khai phá
Ở Việt Nam, du lịch nông nghiệp (DLNN) đang dần trở thành một xu hướng mới, một “món ăn lạ” bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch văn hóa tâm linh, khám phá...
Vai trò tiên phong của Doanh nghiệp du lịch Việt Nam hậu Covid
Trong bối cảnh du lịch đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành du lịch càng cần vai trò tiên phong của doanh nghiệp du lịch lớn để đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường.” Đó là nhận định của ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch về tiềm năng của du lịch Việt Nam sau thời dịch Covid-19.
Quần thể "Đồi Tức Dụp": Điểm đến du lịch tâm linh -Khắc ghi lịch sử oai hùng của vùng đất Thất Sơn
Đồi Tức Dụp trường tồn với tư cách là chứng nhân lịch sử kể mãi về một thời hào hùng bất tử của quân và dân An Giang. Hơn 50 năm sau chiến thắng trong trận đánh 128 ngày đêm ác liệt, hương hồn của rất nhiều liệt sĩ quả cảm trong thời khắc oanh liệt đó đã được tề tựu về ngôi đền thờ mới ngay dưới chân đồi.