Đồng Tháp: Triển khai nhanh phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19
- 25
- Tiêu điểm
- 14:04 29/06/2021
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các huyện, thành phố, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh triển khai thực hiện cấp bách các công việc trọng tâm trong phòng chống dịch Covid-19.
Khẩn cấp xử lý ổ dịch Xí nghiệp May 6
Sáng nay 29/6, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì cuộc họp khẩn với Sở Y tế và trực tuyến đến UBND thành phố Sa Đéc, các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành để xử lý tình huống khi phát hiện nhiều ca nghi mắc Covid-19.
Liên quan đến bệnh nhân (BN) 14437 (bệnh nhân được phát hiện mắc Covid-19 đầu tiên tại Khoa Nội C - Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc) được phát hiện từ ngày 24/6, đến nay ngành chức năng đã phát hiện nhiều ca mắc/nghi mắc Covid-19 gồm: người bệnh, người nuôi bệnh, người nhà của BN 14437 và nhân viên y tế tại Bệnh viện...
Trong số các ca mắc Covid-19 mà Bộ Y tế đã công bố ngày 26/6, có BN 15182 là con của BN 14437. Người này là công nhân tại Xí nghiệp May 6, toạ lạc xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc. Trước khi được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, BN 15182 có đến Xí nghiệp May 6 làm việc và tiếp xúc nhiều người.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, ngày 28/6, Xí nghiệp May 6 đã được Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Bộ Y tế) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 1.200 công nhân.
Đến sáng 29/6, Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh thông báo kết quả xét nghiệm phát hiện một số mẫu xét nghiệm tại Xí nghiệp May 6 dương tính với SARS-CoV-2 (xét nghiệm gộp mẫu). Đây là các ca nghi mắc Covid-19, chờ Bộ Y tế công bố mã số bệnh nhân.
Khẩn cấp xử lý tình huống, Phó Chủ tịch Đoàn Tấn Bửu đề nghị UBND thành phố Sa Đéc yêu cầu tạm dừng hoạt động Xí nghiệp May 6, không để công nhân vào xí nghiệp. Khi cần thiết, Xí nghiệp May 6 sẽ được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, phục vụ công tác khống chế, bao vây, dập dịch.
Ông Đoàn Tấn Bửu yêu cầu ngành y tế huy động lực lượng ở các huyện phía Nam sông Tiền phục vụ điều tra dịch tễ, sàng lọc, phân loại, test nhanh; đồng thời đưa lực lượng chi viện cho thành phố Sa Đéc để hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cần thiết. 04 địa phương: thành phố Sa Đéc và các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành khẩn cấp nắm danh sách công nhân Xí nghiệp May 6 tại địa phương mình, yêu cầu tạm thời không di chuyển khỏi nhà, chờ kết quả xét nghiệm.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tính đến 12 giờ ngày 28/6/2021, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện tại tỉnh cộng dồn đến nay là 61 ca. Đang điều trị 33 ca, trong đó, có 02 ca dương tính được phát hiện trong khu cách ly; có 31 ca phát hiện là chùm ca bệnh của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Hiện 33 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Tổng số người được tiếp nhận cách ly trong ngày 125 người. Số người đang được cách ly tại các điểm cách ly y tế tập trung là 674 người. Công tác truy vết các trường hợp tiếp xúc gần trong ngày F1: 379 người.
Ngành chức năng đang tiếp tục tăng cường các hoạt động truy vết các trường hợp F1, F2 của các ca dương tính; theo dõi chặt chẽ các trường hợp cách ly y tế tập trung, tổ chức xét nghiệm theo quy định. Bên cạnh đó, tích cực các hoạt động truy vết, rà soát, điều tra, lấy mẫu người tiếp xúc người về từ vùng dịch; tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, thực hiện khai báo y tế tại website: https://tokhaiyte.vn, http://kbyt.ytedongthap.vn.
Áp dụng các biện pháp cấp bách kiểm soát dịch
Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đã có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng; để kiềm chế, kiểm soát hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh, ngày 28/6, UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình triển khai thực hiện cấp bách các công việc trọng tâm. Cụ thể:
Thần tốc truy vết, khoanh vùng, cách ly, không để sót lọt các trường hợp F1, F2, bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình; đồng thời, tổ chức bảo đảm thành công cho kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ họp đầu tiên Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Không tập trung từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét.
Dừng các hoạt động lễ hội, văn hoá, thể thao, du lịch, giải trí, tín ngưỡng tôn giáo. Tổ chức đám tang không quá 30 người, đám cưới không quá 20 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.
Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, gồm: chợ đêm, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp, karaoke, xông hơi, massage, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, trò chơi điện tử, gym, billiards. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng theo hình thức mang về.
Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch từ Đồng Tháp đi các tỉnh, thành phố, vùng có dịch. Hoạt động vận tải hành khách trong tỉnh phải giảm 50% hành khách so với số ghế (kể cả tài xế và nhân viên phục vụ). Các phương tiện chuyên chở hàng hoá được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch. Các bến phà, bến đò giảm 50% số lượng khách và thực hiện giãn cách theo quy định.
Tạm dừng hoạt động tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân, các cuộc họp, hội nghị (ngoại trừ các cuộc họp của Trung ương); trường hợp cần thiết tổ chức thì phải có ý kiến bằng văn bản của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nhưng phải thực hiện bảo đảm tuyệt đối an toàn các biện pháp phòng, chống dịch.
Kiểm soát chặt chẽ người về từ các địa phương khác, đặc biệt là người về từ vùng dịch, đồng thời quản lý và thực hiện cách ly y tế đối với những trường hợp trên; cán bộ, công chức, viên chức không được đến vùng có dịch. Chủ tịch UBND huyện, thành phố thành lập các tổ để kiểm tra, kiểm soát người đi, đến địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ban Quản lý Khu Kinh tế, Sở Công Thương và các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ người lao động trên từng địa bàn, từng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lao động sản xuất phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định. Dừng hoạt động nhà máy, xí nghiệp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh khi không đảm bảo an toàn.
Sở Y tế bảo đảm đầy đủ thiết bị, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; huy động tất cả nguồn lực của ngành y tế và xã hội, bao gồm Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, người hành nghề y tế tư nhân phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc phân luồng trong khám và điều trị bệnh; quản lý tốt việc ra, vào bệnh viện, cơ sở y tế trong việc thăm nuôi.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá, phân bố lực lượng phù hợp với tình hình thực tế; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết tại các các cơ sở cách ly tập trung, khu vực do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
Căn cứ vào tình hình, diễn biến của dịch bệnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố quyết định việc giãn cách xã hội trên địa bàn quản lý ở mức độ cao hơn theo hướng dẫn tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về ban hành quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò của Tổ nhân dân tự quản trong việc quản lý người đi, đến địa phương; tuyên truyền vận động người dân không ra ngoài (nếu không cần thiết).
UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành và nhân dân bình tĩnh, thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh; thực hiện hiệu quả biện pháp 5K, không tụ tập đông người, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết.
Thời gian áp dụng từ ngày 29/6/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh vào sáng 28/6 vừa qua, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh cho rằng, mặc dù thời gian qua, tỉnh đã siết chặt kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là tại tuyến biên giới, tuy nhiên đã xảy ra sự cố ở một số bệnh viện, tình hình dịch bệnh tại địa phương phức tạp. Đồng Tháp đã ra chỉ thị tạm dừng hoạt động chợ đêm và cấp căn cước công dân để tập trung phòng chống kiểm soát dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, ngoài mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Đồng Tháp còn phải đảm bảo các mục tiêu tổ chức an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 và tổ chức kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng luật định. "Tuyệt đối không để dịch lan rộng", ông Nghĩa nhấn mạnh.
PV/Theo Báo Đầu tư
Bài liên quan
#Covid-19

Covid-19 có thức tỉnh được các nhà quản lý quy hoạch đô thị?
Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã cho thấy một điều sự lây lan nhanh của dịch bệnh có liên quan đến yếu tố dân số.

Doanh nghiệp Việt và áp lực chi phí sản xuất
Sau tác động lần 2 của dịch Covid-19, việc tái cấu trúc bộ máy, áp dụng mô hình quản lý tinh gọn để thoát khỏi áp lực chi phí sản xuất đối với các doanh nghiệp Việt càng đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

EVFTA sẽ 'giải nguy' cho ngành dệt may
Nếu Hiệp định EVFTA có hiệu lực đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, chắc chắn sẽ cứu ngành dệt may thoát khỏi "cơn bĩ cực" hiện nay.

Chờ doanh nghiệp hóa dữ thành lành
Trước dịch Covid-19 còn diễn biến cam go, câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp ở Việt Nam đã và sẽ hóa dữ thành lành như thế nào? Giới doanh nghiệp chuyển mình ra sao trong giai đoạn khó khăn này?

Doanh nghiệp “lội ngược dòng” trong đại dịch Covid-19
Nhiều doanh nghiệp năng động sáng tạo trong việc thay đổi, chuyển đổi nguồn cung thị trường, chu trình sản xuất và cách thức sản xuất…

Không để thất nghiệp tăng nhanh vì dịch bệnh
Báo cáo đánh giá sơ bộ “Covid-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp” mới đây đã kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, trên diện rộng và đồng bộ ở cả ba trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ việc làm và thu nhập.
Đọc thêm Tiêu điểm
Đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN Nhà nước
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Cấm đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm
Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Quảng Ninh dự kiến tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối tượng tiêm chủng mũi thứ tư vaccine Covid-19 gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng và nhóm có nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19.
S&P chính thức nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB+
Việt Nam là một trong hai nước ở châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức xếp hạng S&P nâng bậc tín nhiệm từ đầu năm đến nay, với việc liên tục cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia những năm qua, đây là một lợi thế lớn của Việt Nam khi hấp hẫn các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An: "Kỳ Sơn cần biến những bất lợi thành lợi thế để phát triển"
Phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung mong muốn địa phương này biến những bất lợi thành lợi thế phát triển…
Bộ Y tế đưa ra các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa trong bối cảnh bệnh này lan ra 19 nước trên thế giới
Cùng với yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp đi về từ quốc gia lưu hành ca bệnh đậu mùa khỉ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng chống tạm thời căn bệnh đang diễn biến phức tạp trên thế giới.
Quảng Ninh: Chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách để cải thiện bền vững PCI
Quảng Ninh tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá là tỉnh giữ vị trí thứ nhất về Chỉ số PCI. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI và 9 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đây là kết quả nỗ lực không mệt mỏi qua nhiều năm, nhiều thế hệ lãnh đạo chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo gắn với tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu khẩn trương duyệt quy hoạch các khu tái định cư để phục vụ các dự án trọng điểm
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, các chủ đầu tư dự án khẩn trương lập quy hoạch chi tiết 1/500 của các khu tái định cư phục vụ dự án do đơn vị làm chủ đầu tư, gửi UBND huyện, thị xã, thành phố xem xét, thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền và quy định.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập
Tại kỳ họp thứ 3, chiều 25/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
39 mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội
Đây là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị về thực trạng và giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức sáng 25/5.