Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Đồng Tháp là địa phương đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, với nhiều mô hình hay, sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, cũng như đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Tọa đàm đã nêu ra 6 mô hình sản xuất nông nghiệp cần được phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể:
Mô hình tôm- lúa- sinh kế cho người dân vùng lũ
Cách làm mới trong mô hình luân canh lúa- tôm càng xanh có nhiều ưu điểm hơn trước do người nuôi có thể chủ động điều tiết được mực nước trong ao nên không còn phụ thuộc vào nước lũ hằng năm; tận dụng được ưu thế từ mô hình luân canh lúa- tôm truyền thống. Lúa phát triển tốt, chi phí thấp do tận dụng được chất hữu cơ từ thức ăn và chất thải sau vụ nuôi tôm.
Đến vụ tôm, ít dịch bệnh xảy ra do hầu hết các tác nhân gây bệnh trên tôm bị cắt vòng đời, không thể phát triển sau một vụ lúa, giúp làm giảm giá thành, tăng lợi nhuận; chủ động được nguồn nước nên người nuôi có thể điều chỉnh mùa vụ sản xuất phù hợp với thị trường là cách làm thân thiện môi trường, mang tính vền vững. Lúa được hạn chế dùng thuốc BVTV, tôm ít dùng thuốc, hóa chế điều trị bệnh nên giảm tác động đến môi trường.
Mô hình lúa- sen
Mô hình luân canh lúa- sen, nông dân gieo cấy vụ lúa Đông xuân và trồng sen vào vụ còn lại mỗi năm. Hệ thống luân canh này giúp giảm sâu bệnh cho vụ lúa sau vì cắt sự có mặt liên tục của lúa, là nơi ở thích hợp cho sâu bệnh sinh sôi nảy nở.
Mô hình này được đánh giá cao khi giải quyết hiệu quả một số loại bệnh hại nguy hiểm trên cây sen như bệnh thối ngó và bệnh chết dây- đây là hai loại bệnh đang xảy ra phổ biến tại các vùng sen chuyên canh.
Mô hình canh tác lúa lý tưởng tại HTX Mỹ Đông II
Mô hình do HTX Mỹ Đông 2 huyện Tháp Mười phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers thực hiện thí điểm trên diện tích 7,6 ha. HTX áp dụng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa.
Mô hình thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng phương pháp cấy máy với lượng giống là 60kg/ha (thay vì 160-200kg lúa giống/ha như trước đây), bón vùi phân, áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ (AWD) trong quản lý nước, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái, giám sát sâu rầy thông minh, ghi chép nhật ký sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng điện thoại thông minh, thu gom rơm bằng máy,.... giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư và giảm nhân công lao động.
Năng suất lúa trong mô hình đạt tối thiểu 5,0 tấn/ha, giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính, tăng năng suất 30%. Từ đó, thu nhập của bà con tăng lên ít nhất được 20%. Đảm bảo công tác tiêu thụ/ liên kết doanh nghiệp tiêu thụ trên 70% sản lượng lúa trong mô hình sản xuất ra thông qua hợp đồng tiêu thụ.
Mô hình “Ruộng nhà mình”
Mô hình triển khai tại HTX Thuận Tiến huyện Cao Lãnh và HTX Tiến Cường huyện Tam Nông trong vùng dự án VnSAT Đồng Tháp. Sản phẩm của mô hình là gạo an toàn - tối ưu giá. Công ty Lương thực Đồng Tháp sẽ đảm nhiệm khâu bao tiêu, chế biến và đóng gói, Công ty Cổ phần chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Việt, website: www.ruongnhaminh.vn (đơn vị sở hữu thương hiệu “ruộng nhà mình”) chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ của 2 đơn vị là Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp xanh Hà Nội và Tập đoàn An Việt.
Đến nay, Công ty Lương thực đã liên kết tiêu thụ với 2 HTX được 92 ha, sản lượng 552 tấn, doanh thu từ sản phẩm gạo đạt 1,4 tỷ đồng.
Mô hình “Cây xoài nhà tôi”
Để đa dạng hóa phương thức quảng bá loại đặc sản Xoài Cao Lãnh, HTX xoài Mỹ Xương đã mạnh dạn cho ra mắt mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Mô hình với những ưu điểm vượt trội, toàn bộ quy trình sản xuất đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp nông dân trồng xoài ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo gắn kết giữa nông dân sản xuất và người tiêu dùng sở hữu được cây xoài mình yêu thích, giúp gia tăng giá trị cây xoài.Thông qua website https://xoaicaolanh.com.vn, khách hàng có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại ...
Mô hình "Cây xoài nhà tôi".
Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình vào khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm. Bằng ý tưởng kinh doanh độc đáo này, đơn vị HTX xoài Mỹ Xương đã nhận được khá nhiều đơn hàng trồng xoài qua mạng từ Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội,…
Mô hình “Cây cam vườn tôi”:
Mô hình “cây cam vườn nhà” cho sản phẩm sạch, được kiểm chứng rõ ràng. “Cây cam vườn tôi” được “chào sàn” qua trang website: nongsancaolanh.vn. Với giá 4 triệu đồng/năm/cây, mỗi vụ 1 cây cam có thể cho sản lượng từ 80 kg đến 100kg trái sạch giao cho khách hàng.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, Đồng Tháp cần quan tâm hơn nữa trong xây dựng và phát triển đồng bộ chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp, tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp lớn đến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp để đóng vai trò dẫn dắt, kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân, hợp tác xã tại địa phương ...
Các chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh phải “chung sống” với dịch Covid-19 như hiện nay, thị trường tiêu thụ nông sản sẽ ngày càng khó khăn; đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm đến cách thức mới trong phân phối sản phẩm, ứng dụng thương mại điện tử, nắm bắt nhu cầu thị trường và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng mã vùng trồng; sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất hữu cơ./.
Phước Lập (tổng hợp)