Trong năm 2024, Đồng Tháp đã xác định khẩu hiệu hành động là “Chính quyền kiến tạo, công dân số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”, trong đó kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một trong bốn yếu tố trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo Quyết định số 687 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/6/2022, các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng và triển khai lộ trình phát triển KTTH. Nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể như: giảm 15% cường độ phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 2014, và phấn đấu đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Bên cạnh đó, mục tiêu tái chế, xử lý 85% lượng rác thải nhựa phát sinh vào năm 2025 và giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy cũng được đề ra.
Đồng Tháp đã chú trọng nâng cao năng lực tái chế rác thải hữu cơ ở đô thị và nông thôn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp, và người dân. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều mô hình KTTH như: tái chế phụ phẩm nông nghiệp, canh tác lúa phát thải thấp, phân loại và tái chế rác thải sinh hoạt, bảo vệ dòng sông không rác... Những mô hình này đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc bảo vệ môi trường.
Nông dân xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ sử dụng sản xuất nông nghiệp, góp phần tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. |
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đã lồng ghép các biện pháp phát triển KTTH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện KTTH một cách toàn diện, có hệ thống và đồng bộ với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tài chính, và đất đai. Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và công nghiệp tái chế, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Trong năm 2024, tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh vào các chính sách, chương trình và đề án phát triển của tỉnh. Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống xanh và tiêu dùng bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. |
Với mục tiêu phát triển thị trường cho các sản phẩm xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất và thương mại, tỉnh cũng đã chú trọng vào công tác phân loại, xử lý chất thải và tái chế, nhằm giảm thiểu việc chôn lấp rác thải, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.