Động thái mới từ Mỹ cản trở nỗ lực tự chủ công nghệ của Trung Quốc

10:30 10/08/2023

Tổng thống Joe Biden chỉ đạo Bộ Tài chính hạn chế hoặc cấm một số khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm.

Ảnh minh họa
Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Sắc lệnh hạn chế và cấm đầu tư một số lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc được Tổng thống Biden công bố ngày 9-8, trong chuyến thăm các bang khu vực Tây Nam nước Mỹ.

Trong thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden mô tả sắc lệnh vừa ký như một tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa về sự tiến bộ của các quốc gia như Trung Quốc.

Trong sắc lệnh, Tổng thống chỉ đạo Bộ Tài chính hạn chế hoặc cấm một số khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm bao gồm chất bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI).

Lệnh mới được đưa ra nhằm ngăn nguồn vốn và chuyên môn từ Mỹ trong việc giúp Trung Quốc phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ nước này hiện đại hóa quân đội và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Các doanh nghiệp có vốn cổ phần tư nhân, công ty đầu tư mạo hiểm, các liên doanh và đầu tư nước ngoài là những nhóm bị ảnh hưởng trong lệnh cấm mới.

Theo đại diện Nhà Trắng, các hạn chế kể trên là "tập hợp hẹp trong một nỗ lực rộng lớn hơn", nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể. Trong thư gửi lên Quốc hội Mỹ, ông Biden đề cập đến tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với các mối đe dọa, đặc biệt là sự tiến bộ của các nước như Trung Quốc "trong những công nghệ và sản phẩm nhạy cảm quan trọng đối với quân đội, tình báo, giám sát hoặc khả năng tác động trên không gian mạng". Nhà Trắng cho biết, ông Joe Biden đã tham khảo ý kiến của đồng minh về kế hoạch này.

Sắc lệnh cũng sẽ nhắm mục tiêu là các công ty Trung Quốc phát triển phần mềm để thiết kế chip và công cụ sản xuất chúng. Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan thống trị các lĩnh vực đó trong khi Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách tự sản xuất để tự chủ công nghệ chip tiên tiến.

Một quan chức chính quyền Mỹ nói với Reuters rằng, các quy định mới sẽ chỉ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai, không hủy bỏ các dự án hiện tại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chính quyền Biden đã hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ khi phát triển các hạn chế "và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đồng minh và đối tác để thúc đẩy các mục tiêu này".

Sắc lệnh này dự kiến sẽ được thực hiện từ năm tới sau nhiều vòng lấy ý kiến của công chúng.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer ca ngợi sắc lệnh của Tổng thống Biden khi nói rằng "trong một thời gian dài, tiền của Mỹ đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc".

Ông Schumer nhấn mạnh: "Hôm nay, Mỹ đang thực hiện bước đầu tiên mang tính chiến lược để đảm bảo đầu tư của Mỹ không dùng để tài trợ cho sự tiến bộ của quân đội Trung Quốc".

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul cũng hoan nghênh động thái hạn chế các khoản đầu tư mới ra nước ngoài vào Trung Quốc, nhưng cho biết "việc không tính đến các khoản đầu tư công nghệ hiện có cũng như các lĩnh vực như công nghệ sinh học và năng lượng là điều đáng lo ngại".

Trong khi đó, chuyên gia Emily Benson tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - tổ chức nghiên cứu chính sách của Quốc hội Mỹ, cho biết, Nhà Trắng chỉ nên cấm các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo cho mục đích quân sự, còn các khoản đầu tư khác vào lĩnh vực này sẽ chỉ cần thông báo cho chính phủ.

Nếu được chính thức thông qua, động thái này có thể gây căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Về phía Mỹ, các quan chức nước này khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia "nguy hiểm nhất" chứ không phải không chia cắt nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau một cách cao độ của hai nước.

Tuy nhiên, nó vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington bày tỏ sự “thất vọng" của mình khi cho biết Nhà Trắng đã không chú ý đến "việc Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại sâu sắc". Người phát ngôn khẳng định, hiện có hơn 70.000 công ty Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc và các hạn chế trên sẽ chỉ gây tổn hại cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ, từ đó cản trở sự hợp tác bình thường và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào Washington.

Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn trong cùng ngày 9/8 bày tỏ hy vọng sắc lệnh sẽ cho phép "các công ty chip của Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng và tiếp cận các thị trường toàn cầu quan trọng, bao gồm cả Trung Quốc”.

Thu Hà (t/h)