Nhằm thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam dùng hàng Việt Nam, TP.HCM đang triển khai chương trình “tích xanh trách nhiệm” nhằm quản lý chất lượng hàng nông sản khi đưa ra thị trường.
Đồng Nai là tỉnh đầu tiên ký kết với TP.HCM triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. |
Vừa qua, tại hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM, các doanh nghiệp đã nghe các chia sẻ của các lãnh đạo thành phố Hồ Chí MInh và tỉnh Đồng Nai, đồng thời được giới thiệu việc ứng dụng tích xanh trong kiểm soát chất lượng hàng hóa.
TP.HCM sẽ trở thành trung tâm kết nối liên kết với các tỉnh nhằm tiêu thụ nông sản cho các địa phương. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên ký kết với TP.HCM thực hiện kế hoạch hợp tác kiểm soát chất lượng nhằm đưa hàng vào các chợ, các siêu thị thông qua các tích xanh quản lý chất lượng.
Đồng Nai thị trường cung cấp hàng nông sản lớn cho TP.HCM
Đồng Nai là tỉnh có nhiều nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap. Nhiều sản phẩm đã được xác nhận tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường Tp.HCM và các tỉnh lân cận, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nhiều mặt hàng nông sản, gia cầm đã chinh phục thị trường TP.HCM nhiều năm nay. |
Đối với chuỗi thực phẩm an toàn, đến nay đã xây dựng và triển khai thực hiện được 50 chuỗi, 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa. Sản lượng hàng tháng gần 16.000 tấn thịt, rau củ quả, sản phẩm từ thịt, sữa (13.887 tấn thịt, 1.490 tấn sản phẩm chế biến từ thịt, sữa, 508 tấn rau, nấm) và hơn 10 triệu quả trứng. Đối với sản phẩm OCOP, Đồng Nai có 241 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có 46 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Ông Trần Lâm Sinh – PGĐ Sở Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết: Chúng tôi đã trải qua thời gian rất dài cung cấp thực phẩm tiêu dùng cho thị trường TP.HCM nên cũng đã có được niềm tin với các nhà cung cấp. Tuy nhiên, việc kiểm soát định kỳ với các sản phẩm chưa làm tốt. Thông qua việc ký kết với TP.HCM hôm nay là thể hiện sự cam kết với các nhà cung cấp, chúng tôi sẵn sàng đạt các tiêu chuẩn và kiểm soát yếu tố đầu vào để đảm bảo chất lượng cao nhất đáp ứng thị trường rộng lớn của TP.HCM.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - PGĐ Sở Công Thương TP.HCM đánh giá các sản phẩm gia súc, gia cầm, rau củ quả là thế mạnh của Đồng Nai. Có các quy trình sản xuất công nghiệp không bị nhỏ lẻ manh mún. Tuy nhiên các cơ sở ở đây vẫn gia công cho các thương hiệu lớn theo quy trình kiểm soát bài bản.
Cần một kết nối chuyên sâu và có kết quả thực tế
Chị Trần Thị Hà – GĐ Công ty COHAFOOD chia sẻ: Rất vui vì có hội nghị này và mong muốn được tham gia vào chương trình một cách nhanh nhất. Tôi tự tin về sản phẩm của mình đồng thời mong muốn mang sản phẩm chất lượng an toàn đến cho người dân và sẵn sàng cam kết để đạt được những quy chuẩn khắt khe của chương trình. Chúng tôi mong muốn chương trình không chỉ dừng lại ở hội nghị, hô hào mà nên đi vào làm thực chất, làm nhanh.
Đại diện Công ty Trang trại Việt cho rằng, Công ty đã kiểm soát được các tiêu chuẩn từ đầu vào, đến đầu ra cũng như đạt nhiều tiêu chuẩn xuất khẩu. Vậy công ty đã có SA 2000 rồi có cần làm cái tích xanh trách nhiệm này nữa không?
Ông Phương cho biết: Các doanh nghiệp dù có các tiêu chí khác vẫn phải tuần thủ theo quy định mới này. Vì quy trình này là quy trình quản lý chung nên các doanh nghiệp phải theo. Không thể làm đơn lẻ được vì chúng tôi không kiểm soát được.
Doanh nghiệp Hương Vĩnh Cửu đã chú trọng an toàn từ đầu vào đến đầu ra trong sản xuất sản phẩm từ thịt heo. |
Bà Nguyễn Thị Hương - TGĐ Công ty Hương Vĩnh Cửu cho biết: Mong muốn Sở NN&PTNT Đồng Nai và Sở Công Thương TP.HCM tổ chức nhiều chương trình hơn để giúp doanh nghiệp. Bản thân Công ty Hương Vĩnh Cửu đã truy xuất nguồn gốc lâu rồi. Tự kiểm soát bằng quy trình khép kín từ đầu vào là con giống chất lượng, có nhà máy giết mổ đến đầu ra chuẩn an toàn. Chúng ta cần kiểm soát chúng ta tốt nhất. Mục tiêu để đưa đến bàn ăn mỗi gia đình, bếp ăn, trường học được nhiều thực phẩm an toàn cho sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, chương trình kiểm soát chất lượng nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường (đại diện là các hệ thống bán lẻ) với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng. Qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu đến các thị trường khó tính.
Ông Sinh cũng kỳ vọng những doanh nghiệp của Đồng Nai sau khi triển khai các quy định về tích xanh trách nhiệm sẽ ký kết với doanh nghiệp, nhà cung cấp lớn tại TP.HCM. Bản thân chúng tôi sẽ giúp người dân công bố những thông tin của nhà sản xuất cho bên mua để cùng liên kết chuỗi với các sản phẩm của ngành.
Các nhà sản xuất đã giới thiệu sản phẩm tại hôi nghị. |
Tại buổi hội nghị, hơn 70 DN, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản của tỉnh Đồng Nai đã gặp gỡ bộ phận quản lý chất lượng của các nhà bán lẻ lớn gồm Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Satra… để tìm phương án xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản chất lượng của tỉnh Đồng Nai tại TP HCM, tạo cơ sở để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại.
Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ với các nhà bán lẻ của TP.HCM. |
Ngoài ra, 3 nhà cung cấp lớn của TP. HCM là Saigon Co.op, Satra và Bách Hóa Xanh đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của 9 DN của tỉnh Đồng Nai.
Tích xanh trách nhiệm Triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Hướng đến chuỗi cung ứng Bền vững - An toàn - Trách nhiệm - Minh bạch; góp phần đổi mới phương thức thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ “vận động” người tiêu dùng sang “chinh phục” người tiêu dùng và “yêu cầu” nhà sản xuất. Tích xanh trách nhiệm hướng đến 4 nhà cùng phối hợp. Nhà cung ấpc: Tự nguyện nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng; đây là hành động trách nhiệm, được người tiêu dùng và nhà bán lẻ tín nhiệm, đánh giá cao, được gắn “Tick xanh trách nhiệm”. Nhà bán lẻ: Cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, tự nguyện hợp tác hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp; đồng thời ưu tiên phân phối sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”. Người tiêu dùng: Trách nhiệm giám sát, cảnh báo, chung tay ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng; ưu tiên lựa chọn sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”. Nhà Nước: Trách nhiệm quản lý và hỗ trợ các bên kiểm soát chất lượng hàng hóa; phát huy các giải pháp phòng ngừa chủ động. |