Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần nghiên cứu quy định mới của Nhật Bản

15:37 18/11/2022

Đề nghị các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp về quy định mới của Nhật Bản và hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy định IUU.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa gửi công văn hướng dẫn việc khai báo thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đến các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu và các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng.

Theo Nafiqad, Nhật Bản hiện đang thừa nhận và áp dụng cơ chế tương đương về quy định Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Liên minh châu Âu.  

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần nghiên cứu quy định mới của Nhật Bản
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần nghiên cứu quy định mới của Nhật Bản.

Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định của Việt Nam và Nhật Bản để ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ của doanh nghiệp nhằm kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi (khai thác, thu mua, vận chuyển, tiếp nhận, chế biến, bảo quản, xuất khẩu) và đảm bảo thông tin khả năng truy xuất nguồn gốc.

Cán bộ thực hiện kiểm soát IUU của các doanh nghiệp phải có kiến thức hiểu biết và nắm vững quy định của pháp luật, của doanh nghiệp, kỹ năng thực hành thực tế với nhiệm vụ được giao.

Do yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng IUU đòi hỏi xuyên suốt toàn chuỗi, các doanh nghiệp xem xét giao bộ phận đảm bảo chất lượng để liên kết với các bộ phận khác của doanh nghiệp (thu mua, kho bảo quản thành phẩm, nguyên liệu, bộ phận xuất, nhập khẩu…), tránh tình trạng đứt gãy thông tin, dữ liệu gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu truy xuất trên hồ sơ và thực tế sản xuất. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đồng thời xây dựng thủ tục và tổ chức theo dõi trừ lùi/cấn trừ và có đối chiếu dữ liệu theo dõi với thực tế sản xuất cho nguyên liệu đưa vào sản xuất, nguyên liệu còn lại, thành phẩm đã xuất khẩu, chưa xuất khẩu,... nhằm minh bạch khả năng truy xuất nguồn gốc trong toàn chuỗi thực hiện quy định IUU, đảm bảo chống lẫn lộn giữa các lô nguyên liệu đưa vào sản xuất, giữa lô nguyên liệu đáp ứng quy định IUU và chưa đáp ứng đầy đủ quy định IUU.

Nafiqad đề nghị các trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp về quy định mới của Nhật Bản và hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy định IUU.

Đồng thời, thực hiện thẩm định hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận cam kết nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu theo yêu cầu thị trường Nhật Bản theo đúng quy định.

Cách đây vài tháng, các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã rất lo lắng về sự trầm lắng của thị trường Nhật. Nguyên nhân là do lạm phát tăng cao, các nhà nhập khẩu và bán lẻ phải điều chỉnh tăng giá bán. Việc này là cú sốc tâm lý với người tiêu dùng Nhật Bản vốn quen với sự ổn định giá cả. Thời điểm đó, các nhà nhập khẩu đã trì hoãn nhận hàng để người tiêu dùng làm quen với mức giá mới. Trước diễn biến tích cực này, các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tin tưởng đà tăng trưởng có thể tiếp tục duy trì đến cuối năm. Nhật Bản cũng là nước nghỉ Tết dương lịch dài ngày theo truyền thống phương Tây, chính vì vậy cơ hội tiêu dùng vào dịp cuối năm cũng sẽ tăng. Những sản phẩm thủy sản tiện dụng, giá cả cạnh tranh sẽ được ưu tiên lựa chọn trong dịp lễ cuối năm 2022.

Linh Anh (t/h)