Bài liên quan |
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cần làm gì để giữ thị phần tại Indonesia? |
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải báo cáo số gạo tồn kho trước 5/1 |
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Âu - châu Mỹ ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Tổng kim ngạch ước đạt khoảng 250 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 202,1 tỷ USD, tăng 20,3%, và nhập khẩu đạt 47,9 tỷ USD, tăng 12,6%. Đáng chú ý, thặng dư thương mại với khu vực này lần đầu tiên vượt mốc 150 tỷ USD, đạt 154,2 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại khu vực châu Âu - châu Mỹ đều đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ ước đạt 119,3 tỷ USD, tăng 23%; EU đạt 51,9 tỷ USD, tăng 18,8%; các nước CPTPP ở châu Mỹ đạt 13,7 tỷ USD, tăng 17%; Anh đạt 7,6 tỷ USD, tăng 19,6%; và EAEU đạt 3,3 tỷ USD, tăng 31,5%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các nước Mercosur giảm 6,5%, chỉ đạt 3,4 tỷ USD.
Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Âu-Mỹ đối mặt nhiều thách thức |
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 34,6 tỷ USD, tăng 39,7%; máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 33 tỷ USD, tăng 24,4%; hàng dệt may đạt 23,4 tỷ USD, tăng 12%; điện thoại và linh kiện đạt 22,3 tỷ USD, tăng 12,5%; giày dép đạt 16,7 tỷ USD, tăng 16,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 10 tỷ USD, tăng 21,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt gần 6 tỷ USD, tăng 7%; và thủy sản đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 18,8%.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết kết quả này đạt được nhờ các giải pháp kịp thời và hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Vụ đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) như EVFTA, VN-EAEU, UKVFTA, CPTPP, VCFTA, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh thêm, năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức với những diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế và trong nước. Vì vậy, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cần tận dụng các mối quan hệ chính trị - ngoại giao để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Đồng thời, cần chủ động nắm bắt tình hình và chính sách tại các nước sở tại để tham mưu những giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thị trường, khai phá các cơ hội hợp tác kinh tế - thương mại và thúc đẩy các FTA hiện có, cũng như nghiên cứu ký kết các FTA mới với thị trường tiềm năng, là nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, cần làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.