Doanh nghiệp và người lao động được miễn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế từ tháng 6/2021 - 1/2022

23:40 14/06/2021

Sau khi Tổng LĐLĐ Việt Nam có báo cáo về gói hỗ trợ mới cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó kiến nghị Chính phủ bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đồng ý với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho doanh nghiệp và người lao động được miễn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế từ tháng 6/2021 - 1/2022.

Cụ thể, BHXH Việt Nam thống nhất miễn đóng BHYT cho người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người nghỉ việc không hưởng lương tại các đơn vị, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đồng ý với chính sách duy trì thẻ BHYT cho người lao động bị mất việc trong thời gian tối đa 8 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng chính sách này, người lao động phải có thời gian tham gia BHYT đủ 2 năm liên tục trở lên trước thời điểm bị mất việc.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thắc mắc, chính sách chưa đề cập cụ thể đến những người mua BHYT tự nguyện; đồng thời mong muốn nên mở rộng không chỉ với BHYT mà cần xem xét mở rộng sang cả BHXH.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 60.000 NLĐ phải ngừng việc do thuộc đối tượng cách ly y tế từ 14 ngày trở lên tại nơi cách ly tập trung (F1) hoặc tại nhà (F2), hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để hỗ trợ người lao động, trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung đối tượng cần được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 trực tiếp bằng tiền mặt cho những người lao động phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc, nhưng tiền lương ngừng việc thấp hơn lương tối thiểu vùng, đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị tạm ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Mức hỗ trợ 1 lần là 1 triệu đồng/người. Thời gian áp dụng từ ngày 1/6 - 31/12.2021. Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 60 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ cho phép người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động trong những tháng tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Vợ chồng chị Trần Thị Kim Long, ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam), hiện đang tạm trú tại Tổ công nhân tự quản số 4, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Vợ chồng chị Long vốn là nhân viên bếp và tạp vụ cho một khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà. Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở Đà Nẵng, cả hai vợ chồng đều mất việc.

Để có tiền duy trì cuộc sống và lo cho hai con nhỏ đang ở quê cùng ông bà ngoại, vợ chồng chị Long phải tất tả ngược xuôi đi xin việc. Miễn có việc, từ phụ hồ, dọn dẹp nhà cửa... việc nào chị Long cũng nhận làm. “Vợ chồng em “ráo mồ hôi là hết tiền” nên những ngày dịch cứ như ngồi trên dầu sôi lửa bỏng với ý nghĩ ngày mai, ngày kia sẽ sống như thế nào?” - chị Long chia sẻ.

Nghe chúng tôi thông tin về đề xuất hỗ trợ người lao động (NLĐ) được miễn đóng vào Quỹ BHYT hay duy trì thẻ BHYT, chị Long mừng rơi nước mắt. “Được như vậy thì còn gì bằng. Miếng ăn trước mắt thì còn lo được chứ chuyện đóng BHYT thời điểm này ngoài tầm với của tụi em cũng như doanh nghiệp” - chị Long nói.

Anh Nguyễn Văn Hậu (32 tuổi, trú TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) - nhân viên lễ tân của một khách sạn trên đường Trần Phú, TP.Nha Trang không có việc từ đầu tháng 5 đến nay. Năm 2020 ảnh hưởng dịch nhưng khách sạn còn duy trì 5-10 ngày công/tháng và vẫn tham gia BHXH cho anh Hậu cùng 5 nhân viên khác. Từ năm 2021, khách sạn chuyển sang thuê thời vụ nên phần BHXH anh Hậu phải tự tham gia. “Thực lòng thu nhập hiện tại không đủ để chi phí nên tôi dù muốn cũng không thể duy trì tự đóng BHYT được chứ chưa nói BHXH các loại khác. Lúc này tôi không dám ốm và cũng không dám nghĩ đến cảnh nếu mình ốm thì sẽ ra sao! Nếu Nhà nước có thể hỗ trợ cho tôi duy trì thẻ BHYT thì mừng quá. Chưa có cái ăn mình còn đi làm được, chứ bệnh thì đường cùng, không biết bấu víu vào đâu” - anh Hậu cho hay.

Cũng như anh Hậu, chị Nguyễn Thanh Trúc ( 40 tuổi, trú P.Phước Tân, Nha Trang) nhân viên bảo mẫu một trường tư thục tại Nha Trang cũng không có việc làm nhiều tháng nay. Chị Trúc cho biết: “Dịch bệnh khiến nhiều người không có việc làm nên tự trông con, trường cũng buộc phải đóng cử từ tháng 4 đến nay. Thú thực chạy từng bữa nuôi 2 con đi học nên tôi cũng không có điều kiện tham gia. Nghe đề xuất tôi cũng trông ngóng lắm, ít ra mình còn có cái phòng thân”.

Ông Nguyễn Duy Minh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đà Nẵng cho rằng, nếu chính sách này được thông qua sẽ giải tỏa được nhiều gánh nặng cho cả NLĐ, người sử dụng lao động cũng như tổ chức Công đoàn các địa phương. Đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 trong suốt gần 2 năm qua ở miền Trung. Ví dụ, Thành phố Đà Nẵng, đến thời điểm này có hơn 40.000 lao động trong khối du lịch, dịch vụ bị mất và hoãn việc làm, trong đó có hơn 15.000 người là đoàn viên, NLĐ thuộc tổ chức Công đoàn quản lý.

“Trong gần 2 năm qua, bằng nguồn ngân sách Công đoàn, chúng tôi đã có nhiều đợt hỗ trợ cho NLĐ. Nhưng sự hỗ trợ đó chỉ mang tính động viên để giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt, về lâu dài phải có những chính sách căn cơ. Trong đó, đề xuất về miễn đóng vào Quỹ BHYT hay duy trì thẻ BHYT cho NLĐ bị mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp... là một ví dụ” - ông Minh nói.

Theo ông Lê Quang Nhất - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Nha Trang - ông rất đồng tình và vui mừng khi nghe đề xuất của Tổng LĐLĐVN. Từ năm 2020 đến nay, LĐLĐ TP.Nha Trang thường xuyên làm việc với cơ sở để tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trực tiếp từ cơ sở mới thấy cấp thiết của NLĐ không chỉ là vẫn đề hỗ trợ trước mắt mà còn là lâu dài như các chính sách BHXH, trực tiếp là BHYT. Nếu DN, đơn vị đóng cửa số lao động vốn đã khó khăn tự nguyện tiếp tục tham gia BHYT là rất ít.

“Nếu hỗ trợ kinh phí thì không biết bao nhiêu nhưng nếu hỗ trợ NLĐ kinh phí đóng thẻ BHYT hoặc tiếp tục cho đối tượng lao động bị tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng dịch duy trì thẻ BHYT tôi nghĩ là cấp thiết. Tuy nhiên, việc triển khai không nên đại trà mà cần lựa chọn đối tượng phải khó thực sự, thực chất, không nên cào bằng. Những người vẫn có nguồn lực để duy trì BHYT thì dành phần hỗ trợ đó cho người khó hơn mình” - ông Nhất nhấn mạnh.

An Nguyên (t/h)

Tags: