![]() |
Doanh nghiệp được tự lập bảng kê nguyên liệu thu mua không hóa đơn khi xin cấp C/O |
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa ban hành Văn bản số 866/XNK-XXHH, hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng bảng kê đối với nguyên liệu thu mua trong nước không có hóa đơn giá trị gia tăng. Đây được xem là bước điều chỉnh kịp thời, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản có đặc thù sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống.
Theo hướng dẫn mới, đối với trường hợp nguyên liệu thu mua trong nước mà không có hóa đơn, thương nhân có thể sử dụng bảng kê khai hàng hóa đạt tiêu chí "WO" (Wholly Obtained – có xuất xứ thuần túy), theo mẫu Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 44/2023/TT-BCT. Bảng kê này do chính doanh nghiệp tự lập và không bắt buộc phải có xác nhận của chính quyền địa phương.
Bộ Công Thương khẳng định, việc đề nghị cấp C/O không yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp xác nhận từ địa phương. Tuy nhiên, cơ quan cấp C/O vẫn có quyền kiểm tra thực tế hoặc yêu cầu doanh nghiệp bổ sung các chứng từ chứng minh nguồn gốc của nguyên liệu thu mua như hóa đơn, tờ khai hải quan, hợp đồng thương mại, hoặc biên bản xác nhận từ hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã.
Trước đó, ngày 24/6/2025, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp trong thủ tục xác nhận bảng kê nguyên liệu thu mua không hóa đơn. Nhiều chính quyền địa phương từ chối xác nhận với lý do lo ngại về tính xác thực, nguy cơ làm giả, hoặc không đủ thông tin để xác minh từ phía nông dân.
Theo VPSA, đây là một điểm nghẽn lớn trong thủ tục cấp C/O, bởi đặc thù sản xuất của ngành hồ tiêu cũng như nhiều ngành nông sản khác chủ yếu thu mua từ nông hộ nhỏ lẻ – những đối tượng không phát hành hóa đơn. Điều này khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc nguyên liệu thu mua, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn thống nhất, phù hợp hơn với thực tế ngành nông nghiệp. Đồng thời, đề xuất loại bỏ yêu cầu bảng kê đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực như hồ tiêu, cà phê, dừa... Trong ngắn hạn, Hiệp hội kiến nghị áp dụng các phương án linh hoạt hơn như xác minh thực địa hoặc cho phép tổ chức ngành hàng, hợp tác xã đứng ra xác nhận bảng kê khi địa phương không hỗ trợ.
Nhiều chuyên gia đánh giá, cơ chế mới này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi lập hồ sơ xin cấp C/O, đồng thời vẫn giữ được tính minh bạch nhờ cơ chế hậu kiểm và yêu cầu bổ sung chứng từ khi cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu nông sản đang chịu nhiều sức ép từ thị trường quốc tế, việc tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục liên quan đến nguyên liệu thu mua sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới.