Doanh nghiệp cần biết: Điều kiện kinh doanh công cụ hỗ trợ

15:36 17/06/2021

Việc kinh doanh công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017)...

Công cụ hỗ trợ và kinh doanh công cụ hỗ trợ

Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp được kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện trước khi kinh doanh.

Kinh doanh công cụ hỗ trợ là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể tại Luật Quản lý sử dụng vũ khí và vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

Về kinh doanh công cụ hỗ trợ, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh công cụ hỗ trợ là ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện về an ninh trật tự.

Phạm vi quản lý gồm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán công cụ hỗ trợ, đạn sử dụng cho công cụ hỗ trợ và phụ kiện của công cụ hỗ trợ; sửa chữa công cụ hỗ trợ.

Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ

Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bao gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;

Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; Trại giam, trại tạm giam; Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh); Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an xã, phường, thị trấn.

Điều kiện kinh doanh công cụ hỗ trợ

Việc kinh doanh công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật số 14/2017/QH14 ngày 20/6/2017), cụ thể, việc kinh doanh công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây: Tổ chức kinh doanh công cụ hỗ trợ phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường; kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển công cụ hỗ trợ, phòng cháy và chữa cháy; người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn phù hợp và được huấn luyện về quản lý công cụ hỗ trợ, phòng cháy và chữa cháy; chỉ được kinh doanh công cụ hỗ trợ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và theo Giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ.

Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy..

Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy... (Ảnh: minh họa)

Về điều kiện cấp phép kinh doanh, thương nhân, doanh nghiệp phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự thì mới có thể kinh doanh công cụ hỗ trợ.

Các điều kiện doanh nghiệp phải đáp ứng để được cấp giấy chưng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự gồm:

Tư cách chủ thể: Doanh nghiệp đăng ký, thành lập công ty theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải là người không thuộc các trường hợp sau đây:

Đối với người Việt Nam: đã bị khởi tố hình sự hoặc đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tại Việt Nam, nước ngoài; có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; Đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương, có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài: mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài: Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

Điều kiện đáp ứng điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC): Có quy định, nội quy, biển báo, sơ đồ về PCCC thoát nạn phù hợp với đặc điểm hoạt động của cơ sở ( Điều 5 Thông tư 66/2014/TT-BCA); có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC trong cơ sở; hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC; có quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; có Phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Điều 21 Nghị định 79/2014/NĐ-CP ;mẫu PC11 ban hành kèm Thông tư 66/2014/TT-BCA);

Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác; phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng; chất lượng và hoạt động phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối. (phụ lục IV nghị định 79/2014/NĐ-CP); có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy; Có Phương án bảo đảm an ninh, trật tự.( Khoản 2 Điều 8 Nghị định 96/2016/NĐ-CP).

Ngân Phương