Đề xuất xây dựng quy chuẩn về trạm sạc xe điện tại Việt Nam. |
Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ vừa qua đã tổ chức cuộc họp liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc xe điện, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Công nghiệp, ông Phạm Nguyên Hùng, đã nhấn mạnh rằng, cơ sở hạ tầng trạm sạc đầy đủ và hiện đại sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xe điện tại Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới, các thị trường xe điện lớn như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Ngành công nghiệp xe điện và trạm sạc tại các quốc gia này đang phát triển theo hai mô hình chính: các hãng sản xuất ô tô tự đầu tư trạm sạc, hoặc các công ty chuyên về hạ tầng trạm sạc điện đầu tư xây dựng.
Tại Việt Nam xe điện ngày càng được người dùng đón nhận và ưa chuộng. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ kinh doanh thì việc tập trung phát triển hạ tầng trạm sạc là yếu tố giúp gia tăng trải nghiệm người dùng và đang được nhiều nước trên thế giới đầu tư.
Tính đến hết năm 2023, riêng Vinfast có trạm sạc tại 125 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại 63 tỉnh, thành phố với hơn 150.000 trạm sạc. Con số này thậm chí vượt qua nhiều nước đang tập trung cho phát triển xe điện. Mức độ tăng trưởng các trạm sạc xe cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, nếu không có các chính sách kịp thời hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc, chưa xây dựng hoàn thiện được các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc sẽ dẫn đến thiếu đồng bộ, thống nhất trong triển khai hệ thống trạm sạc trên cả nước.
Để tạo thuận lợi cho sự phát triển xe điện, ông Huỳnh Thành Đạt- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết, Bộ đã công bố 8 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và 3 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm. Tháng 4/2024 Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thông tư sửa đổi bổ sung quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện" và ban hành kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Kỹ thuật quốc gia năm 2024, trong đó, Bộ đang xây dựng 8 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm điện, sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh.
Ông Đạt cũng đề xuất Bộ Công Thương sớm có văn bản báo cáo lên Chính phủ để phân nhiệm vụ cho các Bộ liên quan và đảm bảo quá trình xây dựng quy chuẩn diễn ra theo quy trình rút gọn.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc phát triển xe điện không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là nhiệm vụ cấp bách nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon. Ông cho rằng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sẽ là công cụ hỗ trợ không chỉ cho quản lý nhà nước mà còn định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện trong tương lai.
Đồng thời, việc thiếu các quy chuẩn về an toàn điện và quy hoạch vị trí xây dựng trạm sạc hiện nay là vấn đề cần giải quyết nhanh chóng.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan như Bộ Giao thông, Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương trong việc xây dựng quy chuẩn về trạm sạc xe điện và các quy định có liên quan đến xác định vị trí, địa điểm, nguồn cấp điện cho các trạm/trụ điện. Đây là yếu tố để trình Thủ tướng phân nhiệm vụ cho các đơn vị bảo đảm rõ người, rõ trách nhiệm và rõ thời gian hoàn thành.
Ông Diên cũng đề xuất việc bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, trong đó sẽ tính đến nhu cầu cấp điện cho hệ thống trạm sạc.
Đồng thời, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải cần quy hoạch các trạm sạc tại các tòa nhà, khu dân cư và trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.