Mua bán tài khoản ngân hàng: Phạt đến 200 triệu đồng nếu vi phạm nghiêm trọng
Đây là nội dung nổi bật trong Dự thảo lần thứ ba của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức và người dân.
Theo dự thảo, các hành vi như mua bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng hoặc thông tin tài khoản ngân hàng, nếu liên quan đến từ 1 đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị xử phạt từ 100 đến 150 triệu đồng. Nếu số lượng tài khoản từ 10 trở lên, mức phạt sẽ được nâng lên 150 đến 200 triệu đồng.
So với quy định hiện hành, các mức phạt đề xuất lần này tăng gấp 2 đến 4 lần, thể hiện rõ chủ trương xử lý mạnh tay, nâng cao tính răn đe trong bối cảnh tội phạm mạng đang lợi dụng các lỗ hổng trong hệ thống tài khoản ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo.
![]() |
Đề xuất tăng mức phạt mua bán tài khoản ngân hàng lên tới 200 triệu đồng |
Mở tài khoản nặc danh, đánh cắp thông tin có thể bị phạt tới 250 triệu đồng
Không chỉ dừng lại ở việc mua bán tài khoản, dự thảo cũng đưa ra mức phạt từ 200 đến 250 triệu đồng đối với hành vi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh, hoặc lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đây là những hành vi thường xuất hiện trong các đường dây lừa đảo trực tuyến, khi kẻ gian sử dụng tài khoản giả mạo để che giấu danh tính thật, gây khó khăn cho công tác điều tra và truy vết dòng tiền.
Tăng mức xử phạt với các trung gian thanh toán, ví điện tử
Dự thảo cũng đặt ra các chế tài mạnh đối với các tổ chức trung gian thanh toán như đơn vị cung cấp ví điện tử. Cụ thể, nếu các đơn vị này vi phạm quy định đảm bảo an toàn cung ứng dịch vụ, không có biện pháp giám sát các giao dịch thanh toán quốc tế qua nền tảng trung gian, hoặc vi phạm trong quản lý thông tin khách hàng, hồ sơ mở ví điện tử, phương thức mở ví, thì sẽ bị phạt từ 30 đến 50 triệu đồng.
Trong trường hợp mở ví điện tử nặc danh, mạo danh, hoặc mua bán, thuê, mượn ví điện tử; lấy cắp hoặc thông đồng để chiếm đoạt thông tin ví điện tử (từ 1 đến dưới 10 ví), mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng.
Nếu các đơn vị trung gian báo cáo không trung thực số lượng, số dư ví điện tử, đặc biệt trong trường hợp tái phạm, hoặc hợp tác sai quy định với tổ chức nước ngoài để cung ứng dịch vụ cho người không cư trú hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, mức phạt có thể tăng lên từ 120 đến 150 triệu đồng.
Tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng và SIM điện thoại đăng ký ngân hàng trực tuyến đang diễn ra công khai trên mạng xã hội và các hội nhóm kín, với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mỗi tài khoản. Những tài khoản này thường được kẻ gian sử dụng để che giấu danh tính thật, phục vụ hoạt động rửa tiền, chuyển tiền lừa đảo hoặc đánh cắp dữ liệu người dùng.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 183 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và 120 triệu thuê bao di động, tạo ra một môi trường dễ bị lợi dụng nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Trước thực trạng đó, tại phiên họp ngày 17/5 của Ban Chỉ đạo Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổng rà soát tài khoản ngân hàng và SIM điện thoại, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Việc nâng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng – đặc biệt đối với hành vi mua bán tài khoản và ví điện tử – là biện pháp cần thiết trong thời kỳ số hóa và phát triển dịch vụ tài chính trực tuyến.