Theo số liệu từ NHNN, cả nước hiện có khoảng 200 triệu tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, sau quá trình rà soát và triển khai xác thực sinh trắc học, chỉ còn 113 triệu tài khoản cá nhân và hơn 711.000 tài khoản tổ chức còn hoạt động hợp lệ. Điều này đồng nghĩa với việc gần 86 triệu tài khoản đã không còn hoạt động hoặc không chính chủ, trong đó nhiều trường hợp có thể được tạo lập bởi các đối tượng xấu để phục vụ mục đích rửa tiền, giả mạo tài khoản nhận tiền lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản qua kênh ngân hàng điện tử.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc "khai tử" số lượng lớn tài khoản không xác thực là biện pháp quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính trong bối cảnh các vụ lừa đảo qua tài khoản ngân hàng đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
![]() |
Hơn 86 triệu tài khoản ngân hàng sẽ bị xóa sổ từ 1/9/2025 |
Việc xóa sổ các tài khoản không xác thực và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài sẽ được các ngân hàng thương mại triển khai đồng loạt từ ngày 1/9/2025. Trước đó, nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank... đã chủ động rà soát, khóa hoặc yêu cầu xác minh lại các tài khoản có dấu hiệu bất thường, chuẩn bị cho bước chuyển dịch quan trọng này.
Quy trình xác thực hiện đang được thực hiện song song với Đề án 06 của Chính phủ – chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và xã hội số. Sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và Bộ Công an đang góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính – ngân hàng.
Tính đến ngày 13/6, toàn ngành ngân hàng đã có hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được xác thực danh tính qua CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID, chiếm gần 100% tổng lượng tài khoản cá nhân có phát sinh giao dịch trên các kênh số. Với hơn 927.000 hồ sơ khách hàng tổ chức đã được xác minh, con số này đạt khoảng 70% tổng tài khoản tổ chức phát sinh giao dịch.
Lãnh đạo NHNN cho biết, trong thời gian tới, cơ quan điều hành sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Hiện nay, phần lớn các ngân hàng thương mại đã số hóa hầu hết dịch vụ cơ bản. Nhiều ngân hàng ghi nhận trên 95% giao dịch được thực hiện qua kênh số, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất phục vụ và tạo ra trải nghiệm thuận tiện hơn cho khách hàng.
Việc loại bỏ các tài khoản “rác” không chỉ là yêu cầu kỹ thuật trong quá trình quản trị hệ thống, mà còn là một bước tiến lớn trong mục tiêu xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số an toàn, minh bạch và bền vững.